Từ 'tân binh' bị hoài nghi đến mức định giá lớn thứ 3 lĩnh vực xe điện toàn cầu

Từ 'tân binh' bị hoài nghi đến mức định giá lớn thứ 3 lĩnh vực xe điện toàn cầu

VINFAST Nasdaq
11:21 - 15/08/2023
Hôm nay 15/8/2023, cổ phiếu của VinFast sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, mở ra một hành trình mới nhiều khát vọng nhưng chắc chắn cũng nhiều khốc liệt đối với một hãng xe mang thương hiệu Việt.

Sau giao dịch hợp nhất với Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ), từ ngày 14/8, VinFast Auto Pte. Ltd. (VinFast) hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (Nasdaq) vào ngày 15/8, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.

Ngành ô tô Việt Nam ra đời muộn so với khu vực, với liên doanh đầu tiên giữa ô tô Hòa Bình và Mekong Auto được thành lập năm 1992. Chính phủ khi đó đã đưa ra mục tiêu rất rõ ràng là sẽ tập trung tạo ra một ngành công nghiệp sản xuất có hàm lượng hiện đại hóa cao, tận dụng công nghệ từ các đối tác nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng phụ trợ trong nước, qua đó từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên 50 - 60% sau 10 - 15 năm.

Năm 2012, CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) của ông Bùi Ngọc Huyên từng mang chiếc VG150 concept đến triển lãm ôtô ở Hà Nội nhưng không nhận được nhiều chú ý dù có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 58%. Năm 2015, Vinaxuki giải thể.

Giấc mơ xe hơi do người Việt sản xuất được viết tiếp vào năm 2017, khi Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố thương hiệu VinFast. Thời điểm đó, Vinfast tạo ra rất nhiều cảm hứng trên thị trường xe hơi trong nước.

Mục tiêu của VinFast khi ấy là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

Việc Vingroup lấn sân sang sản xuất ô tô khi đó mang lại nhiều hào hứng nhưng cũng khiến không ít người hoài nghi, bởi đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi tiềm lực con người, tài chính, kinh nghiệm công nghiệp cũng như công nghệ rất lớn. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt đã quá quen với việc sử dụng các thương hiệu ô tô ngoại, việc thay đổi tư duy, quan niệm của cộng đồng không phải là điều dễ dàng.

Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải - Hải Phòng của Vinfast.

Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải - Hải Phòng của Vinfast.

VinFast bắt đầu hành trình của mình bằng việc khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải - Hải Phòng vào tháng 9/2017. Chỉ một tháng sau đó, hãng công bố 20 mẫu thiết kế xe đầu tiên cho dòng xe Sedan, SUV và tổ chức cuộc thi bình chọn mẫu ô tô được yêu thích nhất.

Và đó là lần đầu tiên người Việt được trưng cầu ý kiến về các mẫu xe hơi của một hãng Việt Nam để cùng nhà sản xuất tìm ra mẫu xe hiện đại theo xu hướng thế giới cũng như phù hợp với thị hiếu và nhu cầu thị trường Việt Nam.

Sang đầu năm 2018, VinFast chính thức ký hợp đồng sản xuất xe mẫu với nhà thiết kế Pininfarina, đồng thời công bố mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW nhằm phát triển sản xuất.

Tháng 6/2018, VinFast công bố thương vụ với General Motors Việt Nam. Theo đó, VinFast sẽ tiếp nhận hệ thống đại lý ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Với bước đi này, VinFast có trong tay một loạt đại lý bán xe trên cả nước, đồng thời làm quen dần với thị trường trong thời gian chờ nhà máy ở Hải Phòng hoàn thiện.

Tháng 10/2018, VinFast ra mắt hai mẫu xe sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0 tại triển lãm Paris Motor Show 2018. Đây cũng là lần đầu tiên thương hiệu ô tô Việt xuất hiện tại triển lãm ô tô danh giá nhất thế giới, sánh vai cùng các hãng xe nổi tiếng đã có hàng chục, hàng trăm năm lịch sử đến từ Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh…

Sự kiện này đã giúp VinFast thu hút sự chú ý rất lớn từ đông đảo giới chuyên môn, truyền thông trong nước và quốc tế. Khen, chê đủ cả, nhưng việc góp mặt tại Paris Motor Show đã cho thấy rõ khát vọng của Vingroup trong việc khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt, đưa ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam lên bản đồ ô tô thế giới.

Mẫu xe sedan Lux A2.0 của Vinfast.

Mẫu xe sedan Lux A2.0 của Vinfast.

Trở về từ triển lãm, VinFast lập tức giới thiệu dòng xe sedan Lux A2.0, SUV Lux SA2.0, cùng mẫu xe CUV cỡ nhỏ là Fadil tới người tiêu dùng Việt Nam và bắt đầu nhận đặt cọc từ khách hàng. Khi nhà máy sản xuất tại Hải Phòng chính thức vận hành vào đầu tháng 6/2019, những chiếc xe đầu tiên nhanh chóng được ra đời.

Ngày 17/6/2019, sau 3 ngày chính thức mở bán, 561 chiếc xe ô tô VinFast Fadil được bàn giao đến tay khách hàng. Sự kiện này phần nào xua đi những nghi ngại về sự thành công của Vingroup khi quyết định lấn sân mảng sản xuất ô tô.

Khoảng thời gian tiếp theo là giai đoạn VinFast tập trung sản xuất và bán 3 mẫu xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Đồng thời, công ty cũng rục rịch chuẩn bị những thứ cần thiết để chuyển sang sản xuất xe điện, như ký thỏa thuận hợp tác với các hãng sản xuất pin, chip và nhiều linh kiện khác.

Tháng 1/2021, VinFast công bố tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của VinFast với kế hoạch sản xuất mẫu ô tô điện đầu tiên cho người Việt và từng bước mở rộng thị trường, lấn sân sang Bắc Mỹ và châu Âu.

Ngày 24/3/2021, VinFast chính thức ra mắt xe ô tô điện đầu tiên của Việt Nam mang tên VinFast VF e34 thuộc phân khúc SUV hạng C. Khác với các mẫu xe xăng trước đó, sự kiện ra mắt VF e34 được công bố trên nền tảng online và cho phép khách hàng đặt cọc qua hệ thống mua sắm trực tuyến.

Ngay sau khi mở bán, mẫu xe ô tô điện mới nhất của VinFast đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía khách hàng. Và sau 12h mở bán, VinFast đã ghi nhận hơn 3.000 đơn đặt hàng mới. Sau 3 tháng, con số này đã lên tới hơn 25.000 đơn, trong đó có 10.000 lượt đặt online. Đây là kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô Việt Nam.

Tháng 12/2021, VF e34 chính thức xuất xưởng và lăn bánh trên đường phố.

Mẫu xe điện VF e34 chính thức xuất xưởng và lăn bánh trên đường phố từ tháng 12/2021.

Mẫu xe điện VF e34 chính thức xuất xưởng và lăn bánh trên đường phố từ tháng 12/2021.

Nhưng ngay sau đó, VinFast gây bất ngờ toàn thị trường và phần nào là sự hẫng hụt khi đột ngột công bố sẽ dừng sản xuất xe xăng bắt đầu từ ngày 15/7/2022. Việc VinFast ngưng hoàn toàn sản xuất xe xăng khi ấy tất nhiên khiến một bộ phận khách hàng không khỏi nghi ngại. Băn khoăn lớn nhất là tương lai của những chiếc xe đã bán sẽ như thế nào.

VinFast trấn an người dùng bằng cam kết phục vụ hết vòng đời sản phẩm. Hãng đã dự trù kỹ lượng linh kiện, phụ tùng, thiết bị đảm bảo dịch vụ sau bán hàng với xe xăng. Hãng công bố, lượng linh kiện được VinFast chuẩn bị nhiều hơn dự kiến.

Về việc đã đặt cọc mua xe xăng, hãng sẽ hoàn lại tiền đặt trước nếu khách hàng thay đổi quyết định mua xe. Ngoài ra, hãng xe này duy trì chương trình "Đổi cũ lấy mới", giúp người dùng chuyển từ xe xăng đang sử dụng sang các sản phẩm xe điện. Trên lý thuyết, hãng xe Việt đã tính toán đến những yếu tố có khả năng xảy ra để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã sử dụng xe dùng động cơ đốt trong.

Trong bài phát biểu ra mắt các mẫu mã ô tô điện mới tại CES 2022, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho biết: “VinFast sẽ chính thức trở thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022. VinFast sẽ là một trong những hãng xe tiên phong trên thế giới ngừng sản xuất xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất các dòng xe thuần điện”.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức hồi tháng 5/2023 vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết, VinFast không thể sản xuất xe ô tô điện từ đầu vì cách đây 5 năm rất ít người mong muốn dùng loại hình này. Xe điện cũng rất khó làm, mỗi chiếc xe điện có khoảng 40 máy tính, phải mất cả năm trời để kết nối các máy tính này với nhau.

Và năm 2022 có thể xem là dấu mốc quan trọng của VinFast, khi lô 999 ô tô điện VF 8 của VinFast chính thức xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đánh dấu bước ngoặt lớn trên khát vọng vươn ra biển lớn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Lần đầu tiên những chiếc ô tô điện gắn mác “Made in Vietnam” trở thành lựa chọn cho khách hàng quốc tế.

Lô 999 ô tô điện VF 8 của VinFast chuẩn bị lên tàu chuyên dụng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Lô 999 ô tô điện VF 8 của VinFast chuẩn bị lên tàu chuyên dụng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tháng 4/2023, lô xe điện VinFast VF 8 thứ hai gồm 1.879 chiếc được xuất sang Mỹ và Canada. Để thuận tiện cho sản xuất và mở rộng kinh doanh, cuối tháng 7 vừa qua, VinFast chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina.

Nhà máy VinFast tại Bắc Carolina có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, trên quy mô 733 ha và được chia thành 5 phân khu sản xuất chính, bao gồm: Xưởng hàn thân vỏ, xưởng lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà máy sẽ có các công trình chức năng khác như nhà bảo vệ, nhà máy bơm và nhà tập trung rác thải…

Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các mẫu xe điện VF 7, VF 8 và VF 9 để đáp ứng nhu cầu thị trường với công suất dự kiến là 150.000 xe/năm. Nguồn cung linh kiện phục vụ sản xuất sẽ được ưu tiên mua tại Mỹ, Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Song song với việc sản xuất và vận chuyển xe đến thị trường quốc tế, VinFast cũng liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh trên toàn cầu. Hiện ngoài thị trường Việt Nam, hãng đã mở hơn 30 cửa hàng và xưởng dịch vụ tại Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan, sẵn sàng cho việc kinh doanh các dòng xe điện thông minh được xuất khẩu từ Việt Nam.

Để chuẩn bị vốn cho chặng đường dài, VinFast đã lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và thông qua SPAC. Công ty hợp nhất kết quả kinh doanh với Black Spade. Đây là doanh nghiệp được thành lập bởi Black Spade Capital và niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE American. Black Spade Capital đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới và thường xuyên tìm kiếm các cơ hội mở rộng danh mục này.

Trước VinFast, một số doanh nghiệp Việt Nam từng “đánh tiếng” về việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có hãng ô tô của Vingroup chạm tay đến mục tiêu này.

Theo thoả thuận hợp nhất giữa VinFast và Black Spade, sau giao dịch, VinFast sẽ có mức định giá lên đến hơn 27 tỷ USD, tương đương khoảng 633.000 tỷ đồng. Đây là mức định giá cao nhất mà một doanh nghiệp Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay.

Con số này gấp gần 1,5 lần vốn hóa của doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thị trường là Vietcombank (VCB) là hơn 430.000 tỷ đồng. Trong suốt lịch sử 23 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa từng có doanh nghiệp nào chạm đến ngưỡng đó.

Theo dữ liệu từ Companies Market Cap, không tính VinFast, thế giới hiện chỉ có 12 công ty sản xuất xe điện có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Mức định giá cao ngất ngưởng sau niêm yết sẽ đưa hãng xe của Việt Nam trở thành công ty lớn thứ 3 trong lĩnh vực sản xuất xe điện, chỉ sau Tesla (778 tỷ USD) và Li Auto (42 tỷ USD).

Nếu việc niêm yết trên Nasdaq thành công, đó sẽ không chỉ là dấu mốc lịch sử đối với VinFast và Vingroup mà còn là niềm cảm hứng, nguồn động lực để các doanh nghiệp Việt Nam nối tiếp nhau vươn ra thế giới.

Cơ hội lớn nhất của VinFast khi niêm yết trên Nasdaq là huy động được lượng vốn lớn để tiếp tục theo đuổi giấc mơ đưa xe điện đi sắp toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ có tính minh bạch cao, đòi hỏi các điều kiện niêm yết chặt chẽ, doanh nghiệp niêm yết trên đây sẽ tạo được tiếng vang rất lớn ở thị trường tài chính quốc tế. Đồng thời, dòng vốn đầu tư hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển vào các nhóm ngành “xanh”, điều này tạo thuận lợi cho việc huy động vốn của VinFast với dòng vốn dài hạn và hạn chế các áp lực biến động trong ngắn hạn.

Ngoài cơ hội, trong hành trình mới của VinFast chắc chắn sẽ không ít những khó khăn, thử thách. Sau khi thành công xây dựng thương hiệu, hãng phải đối mặt với nhiệm vụ tiếp theo là cạnh tranh thị phần khi tên tuổi vẫn thuộc hàng “tân binh” trong ngành xe điện. Thực tế, rất nhiều hãng xe thế giới đang tăng tốc vào “cuộc đua” này, Telsa đã phải liên tục giảm giá để giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên với những gì đã làm trong 6 năm qua, hoàn toàn có quyền kỳ vọng VinFast, một thương hiệu Việt, sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu. Khát vọng ấy không chỉ là của riêng Vingroup, của những người như ông Phạm Nhật Vượng, mà còn là của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.

Đọc tiếp