Doanh nghiệp dệt may dần lấy lại đà tăng trưởng

Dệt May Việt nAM
16:42 - 13/04/2024
Doanh nghiệp dệt may dần lấy lại đà tăng trưởng
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù mới hết quý 1/2024 nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu có đơn hàng kéo dài đến hết nửa đầu năm nay, trái ngược với tình trạng tồn hàng như năm ngoái.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến hết quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã ký được đơn hàng đến hết quý 2/2024, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến quý 3/2024.

Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra kịch bản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD trên cơ sở nhiều thị trường và đơn hàng đã quay lại. Về phần các doanh nghiệp dệt may, nhiều tín hiệu tích cực cũng đã được các doanh nghiệp công bố thông qua Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 và tài liệu liên quan.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ vừa qua của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), HĐQT công ty này đã trình mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng và lãi ròng hơn 161 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 21% so với kết quả kiểm toán năm 2023.

Trong 2 tháng đầu năm, doanh thu TCM ước đạt hơn 624 tỷ đồng và lãi ròng khoảng 41 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 40% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được gần 19% chỉ tiêu doanh thu và hơn 25% mục tiêu lợi nhuận năm.

Ngoài ra, Dệt may TCM cũng ước tính, doanh thu cho đơn hàng quý 1/2024 cao hơn so với cùng kỳ. Công ty đã và đang nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024.

Trong khi đó, CTCP Dệt may Huế cũng có báo cáo về đơn hàng xuất khẩu đã có đến tháng 6/2024, trong đó tỷ lệ đơn FOB (đơn hàng không mất phí vận chuyển) chiếm hơn 50%. Thậm chí đơn hàng ngành may còn đang vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp này tại Nhà máy May 4 và chi nhánh Quảng Bình.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) thông báo ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa đầu 2024 nhờ nhiều đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho và hãng Decathlon tăng cường đặt hàng phục vụ Olympic. Công ty đã nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 dây chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân từ tháng 3/2024.

Thông tin tại "Triển lãm Quốc tế Ngành Công Nghiệp Dệt và May - Thiết Bị, Nguyên Phụ Liệu và Vải 2024" vừa qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, sau 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 1 tăng 30%. Đây là mức tăng khá khả quan so với tình hình thị trường năm 2023.

Theo ông Trường, ngành dệt may đang nhìn về một tương lai tương đối sáng sủa hơn khi nền kinh tế Mỹ việc làm ổn định, lạm phát giảm dần, châu Âu cũng có nhiều tín hiệu tốt dần lên.

Trong năm 2024, Tập đoàn Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023 và lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.

Chia sẻ về định hướng của Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc tập đoàn cho biết, dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của tập đoàn là kiên định thực hiện một cách tốt nhất những giải pháp đã đề ra và tiếp tục theo dõi, dự báo tình hình để ứng phó linh hoạt.

Trong mọi trường hợp, khi xác định khó khăn kéo dài, các giải pháp thông thường không hiệu quả cần nghĩ đến bài toán tái cơ cấu. Rà soát soát lại mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa tỷ lệ lao động gián tiếp, đồng thời tập trung vào công tác thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp