VITAS: Ngành dệt may cần ứng dụng công nghệ số để gia tăng giá trị

Dệt May Việt nAM
16:17 - 16/03/2024
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VITAS chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh BTC)
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VITAS chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh BTC)
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ngày 15/3 phối hợp với Công ty TNHH C.S.P tổ chức hội thảo "Giải pháp kỹ thuật số Style 3D cho ngành may mặc" với sự tham gia của các nhà tạo mẫu, doanh nghiệp liên quan.

Xuất khẩu dệt may: Thách thức song hành cùng cơ hội

Thông tin tại hội thảo, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nếu như năm 2001, khi Việt Nam bắt đầu thực thi Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may mới chỉ đạt 1,96 tỷ USD, thì đến năm 2023 đã đạt trên 44 tỷ USD, tăng khoảng gấp 22,6 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm.

"Sản phẩm dệt may Việt Nam chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu, chiếm trên 85% sản lượng sản xuất toàn ngành và vì điều này, ngành dệt may phải đối diện với hàng loạt thách thức," đại diện VITAS chia sẻ.

Trong đó, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các cường quốc xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới như Trung Quốc, Bangladesh cũng như chịu tác động trực tiếp từ những biến động của thế giới.

Kết quả, trong năm 2023, do tác động từ xung đột chính trị Nga - Ukraine cùng những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới, xuất khẩu dệt may giảm gần 11% so với 2022 - mức giảm sâu nhất so với nhiều năm trước.

Không chỉ vậy, ông Cẩm cũng chỉ ra, hiện các thị trường nhập khẩu của ngành dệt may đang đặt ra nhiều yêu cầu rất khắt khe như: EU ban hành Chiến lược dệt may bền vững, thay đổi nhu cầu thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh cùng yêu cầu thiết kế sinh thái; sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần.

Bên cạnh đó còn hàng loạt Đạo luật quy định về chống lao động cưỡng bức (Mỹ), truy xuất nguồn gốc… nên các nhãn hàng yêu cầu thời gian giao hàng ngày càng ngắn, nhưng lại đòi hỏi cao hơn về mẫu mã và yêu cầu doanh nghiệp dệt may phải tự chủ từ khâu thiết kế đến nguyên phụ liệu.

Ngành dệt may phải đối mặt với loạt thách thức về cạnh tranh thị trường cùng những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới. Ảnh minh hoạ.

Ngành dệt may phải đối mặt với loạt thách thức về cạnh tranh thị trường cùng những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh những thách thức, lãnh đạo VITAS cũng nhận định, ngành hàng may Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội rất lớn.

Ngoài Hiệp định song phương với Mỹ, còn 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP đang trong quá trình giảm thuế về 0%, sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cũng như mở rộng quy mô thị trường.

Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, với định hướng tiếp tục phát triển toàn ngành đạt tốc độ 6,5 - 6,8%/năm và định hướng doanh nghiệp tự túc nguyên phụ liệu; sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình…

“Đây là những định hướng quan trọng cho ngành dệt may, đòi hỏi các doanh nghiệp cần ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ để giải quyết khâu yếu của ngành là xây dựng thương hiệu. Việc nghiên cứu, tìm hiểu và sử dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, ứng dụng những giải pháp của các nhà cung cấp chuyên nghiệp sẽ rút ngắn thời gian, đưa doanh nghiệp dệt may đến đích nhanh hơn, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may,” Phó Chủ tịch Vitas cho hay.

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2030 đạt 68-70 tỷ USD

Trước những thách thức và cơ hội kể trên, ông Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may vẫn đang đưa ra những mục tiêu lớn để phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 68-70 tỷ USD vào năm 2030.

Để đạt được kết quả như kỳ vọng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là việc nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng các giải pháp khắc phục các điểm yếu của ngành nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động về nguồn nguyên phụ liệu, thành lập các cụm, khu công nghiệp sản xuất dệt may tập trung và thành lập các trung tâm thời trang hiện đại. Cùng với đó, việc áp dụng các giải pháp hiện đại như ứng dụng giải pháp kỹ thuật số Style3D sẽ giúp tạo mẫu, chỉnh sửa mẫu và hoàn thiện ý tưởng trong thời gian ngắn, giảm bớt những khó khăn trong thiết kế.

Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp rút ngắn thời gian thiết kế ở giai đoạn đầu tiên khi tìm kiếm mẫu mã, mà còn giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng thời trang. Ảnh minh họa

Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp rút ngắn thời gian thiết kế ở giai đoạn đầu tiên khi tìm kiếm mẫu mã, mà còn giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng thời trang. Ảnh minh họa

Chia sẻ thêm tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH C.S.P cho biết như cách truyền thống, để làm một mẫu sản phẩm dệt may thật, doanh nghiệp cần đến 336 giờ do phải trải qua nhiều công đoạn, sau đó mới gửi đến khách hàng thì việc ứng dụng công nghệ Style 3D sẽ giúp cho quá trình từ thiết kế, chọn mẫu, duyệt mẫu, sản xuất được đẩy nhanh hơn.

“Trước đây các doanh nghiệp dệt may thiết kế hoặc thuê thiết kế rất nhiều mẫu sản phẩm, có những mẫu không được duyệt phải lưu kho gây ra sự lãng phí, ảnh hưởng lớn đến tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, khi sử dụng phần mềm thiết kế 3D, doanh nghiệp chỉ cần 2 - 3 giờ đã có thể thiết kế xong 1 mẫu sản phẩm gửi khách hàng lựa chọn nguyên liệu vải phù hợp để đưa vào sản xuất, tiết kiệm lớn tài nguyên cho doanh nghiệp”, đại diện C.S.P chia sẻ.

Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp rút ngắn thời gian thiết kế ở giai đoạn đầu tiên khi tìm kiếm mẫu mã, mà còn giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng thời trang, thay thế người mẫu ảo giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Qua đó từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và hướng tới mục tiêu cung cấp sản phẩm gắn thương hiệu riêng ở cả trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.