Sáng 26/8 (tức 23/7 âm lịch) tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền thờ Khúc Thừa Dụ (thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), UBND huyện Ninh Giang long trọng tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống, tưởng niệm 1.117 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ - người có công đầu trong công cuộc xây dựng nền tự chủ đất nước.
Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và các đại biểu dâng hương tại đền Khúc Thừa Dụ. |
Khái lược bối cảnh lịch sử và các nhân vật lịch sử tại lễ hội, ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết, trải qua hàng nghìn năm với tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc được hun đúc từ thời lập quốc, các thế hệ người Việt luôn khao khát và không ngừng đứng lên để giành lại nền độc lập, tự chủ cho mình.
Hầu hết các cuộc khởi nghĩa vũ trang chống ách cai trị của ngoại bang đều được đông đảo nhân dân hưởng ứng và đã giành được những thắng lợi bước đầu. Vào đầu thế kỷ X, sau một thời gian chuẩn bị, năm 905, Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân chiếm thành Tống Bình, tự xưng Tiết độ sứ, xây dựng chính quyền tự chủ của người Việt, đánh dấu một mốc quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài cho lịch sử dân tộc.
Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đọc diễn văn tại lễ khai hội. |
Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc trải qua ba đời gồm Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ với thời gian tồn tại khoảng 25 năm là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Theo các thư tịch cổ, kết quả nghiên cứu và các Hội thảo khoa học trong những năm qua cho biết, Khúc Thừa Dụ quê ở trang Cúc Bồ, đất Hồng Châu (nay thuộc xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), là một hào trưởng, thuộc dòng “họ lớn lâu đời”, “một đại cự tộc có ảnh hưởng xã hội rất to lớn”. Ông là bậc tài trí xuất chúng, có ý chí hơn đời, “tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn...”, tín phục.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng gióng trống khai hội. |
Khi triều đại nhà Đường suy yếu, tại đất Hồng Châu quê nhà, Khúc Thừa Dụ ngày đêm tập hợp lực lượng, tích trữ lương thực, ráo riết chuẩn bị cho việc giành quyền quyết định vận mệnh đất nước. Nhờ tài cao đức cả, Khúc Thừa Dụ được dân chúng khắp nơi mến mộ, nguyện làm nghĩa binh, gia nhập lực lượng, tạo thế lực ngày càng lớn mạnh.
Chớp thời cơ ngàn năm có một, Khúc Thừa Dụ đem toàn bộ lực lượng tiến vào thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay), tự xưng là Tiết độ sứ. Năm 906 (Thiên Hựu thứ 3), vua Đường buộc phải phong cho ông chức Tĩnh Hải Tiết độ sứ, chức quan cao nhất ở ngoại biên, lại gia phong tước Đồng bình chương sự, có quyền thay triều đình quyết định mọi việc.
Đông đảo các đại biểu, người dân và du khách về dự lễ hội. |
Nắm quyền lực trong tay, Khúc Thừa Dụ nhanh chóng cắt đặt quan lại, nắm giữ những chức vụ chủ chốt, dốc sức điều hành quản lý, ban hành nhiều chính sách tích cực và tiến bộ, xây dựng bộ máy chính quyền mới. Đây là một thắng lợi có tầm vóc lớn lao và trở thành dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Khúc Thừa Dụ đã tạo nên nền móng quyền tự chủ ban đầu cho đất nước.
Ngày 23/7 năm Đinh Mão (năm 907 Dương lịch), Khúc Thừa Dụ mất, con trai ông là Khúc Hạo lên thay, kế tục xuất sắc sự nghiệp của cha. Lúc này ở phương Bắc, nhà Đường bị cướp ngôi, nhà Hậu Lương ra đời vẫn rơi vào thời kỳ hỗn loạn. Nhà Hậu Lương sai sứ sang tấn phong cho Khúc Hạo làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ, Đồng Bình chương sự.
Các đại biểu dâng hương. |
Trong buổi đầu giành quyền tự chủ, Trung chúa Khúc Hạo đã ra sức thu dụng nhân tài, tiến hành hàng loạt cải cách toàn diện và sâu sắc. Ông cải tổ căn bản nền hành chính, tăng cường năng lực quản lý của bộ máy nhà nước, từ trung ương đến cơ sở. Ông chia đất nước ra thành Lộ, Phủ, Châu, Giáp, Xã. Ở cấp xã (cấp cơ sở), đặt ra chức Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng để trông coi việc thuế.
Ông cho lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng trông coi. Đặc biệt, đã định ra chế độ thuế khóa và lực dịch mới, “bình quân thuế ruộng, bãi bỏ lực dịch... chính sự cốt ở khoan dung, giản dị, an cư, lạc nghiệp (gọi tắt là Khoan - Giản - An - Lạc) cho nên nhân dân đều được yên vui”, càng thiết tha với việc giữ gìn nền tự chủ.
Về đối ngoại, Khúc Hạo khôn khéo chủ trương thần phục nhà Hậu Lương và ứng xử mềm dẻo với Nam Hán, cử chính con trai của mình là Khúc Thừa Mỹ sang làm Hoan hảo sứ, để tránh xung đột, tạo cơ hội hòa bình, củng cố nền tự chủ còn non trẻ. Lịch sử đã ghi nhận ông là nhà cải cách đầu tiên của đất nước.
Năm 917, Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ kế tục sự nghiệp của ông, cha. Tướng quân Khúc Thừa Mỹ trong quá trình làm An Nam lưỡng sứ đã khéo léo thực hiện chiến lược “tử gián, sinh gián” làm nên sự kiện “Lửa cháy Phiên Ngung”.
Đại diện dòng họ Khúc Việt Nam, người dân và du khách dâng hương. |
Nhưng với dã tâm chiếm đoạt của triều đình phương Bắc, trong khi đó nội bộ trong họ và một vài tướng quân của họ Khúc lại có sự bất hòa đã trở thành nguyên cớ để nhà Hán cất quân xâm lược. Trước sức mạnh của giặc, chính quyền họ Khúc mới xây dựng đã bị chấm dứt sự tồn tại trên đất An Nam.
Tuy thời gian từ khi Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đến Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ lãnh đạo nhân dân giành quyền tự chủ, xây dựng chính quyền độc lập chỉ kéo dài khoảng 25 năm (từ năm 905 - 930), Khúc Thừa Dụ và con cháu ông đã tạo dựng được nền tảng căn bản đầu tiên cho cơ đồ độc lập tự chủ của nước nhà.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ khai hội. |
Để tri ân người có công đầu dựng nền tự chủ cho dân tộc, tỉnh Hải Dương, huyện Ninh Giang đã đầu tư xây dựng ngôi đền mới thờ Khúc Thừa Dụ, đặt cạnh nơi thờ xưa, thành quần thể đình - làng, đền - nước. Công trình vừa tĩnh mịch, vừa uy nghiêm với chất liệu bền vững, vĩnh cửu gồm đá, gỗ lim, đồng...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Thành Vạn nhấn mạnh, thông qua các hoạt động trong dịp lễ hội truyền thống, tưởng niệm 1.117 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hoá tiêu biểu của địa phương. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, ý trí tự lực, tự cường, bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân và du khách thập phương trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Di tích đền thờ Khúc Thừa Dụ.