Sáng 25/8, tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi (xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), UBND huyện Gia Lộc tổ chức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và khai mạc Lễ hội truyền thống đền Đươi năm 2024.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương, lãnh đạo một số sở ngành trong tỉnh, lãnh đạo huyện Gia Lộc dâng hương tại lễ hội truyền thống đền Đươi. |
Buổi lễ diễn ra các nghi thức như dâng hương, tưởng nhớ công đức Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan; cắt băng khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi. Trước đó, từ sáng sớm, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ rước bộ.
Các đại biểu, khách mời cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi. |
Tại lễ hội, phần lễ có các nghi thức gồm mở cửa đền, cáo yết, mộc dục, rước bộ... Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ (múa lân, múa rồng, trống hội, múa rối nước, liên hoan diễn xướng hầu thánh, liên hoan văn nghệ quần chúng…); các trò chơi dân gian (cờ người, bắt vịt); các hoạt động thể thao (giải kéo co, bóng chuyền hơi, bóng đá). Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các gian hàng trưng bày, bán các đặc sản của địa phương để du khách trải nghiệm, thưởng thức và mua về làm quà.
Đông đảo các đại biểu, người dân và du khách đến dự lễ hội. |
Ông Phạm Đăng Xuyết, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết, tương truyền đền Đươi được xây dựng từ thời nhà Lý, được liệt vào hàng “danh lam cổ tự" nổi tiếng trên đất Hải Dương, thờ thái hậu Ỷ Lan.
Theo lịch sử địa phương, trong một lần thị sát tình hình đất nước, thuyền của thái hậu Ỷ Lan ghé thôn Cẩm Cầu (nay là thôn Quỳnh Huê), xã Thống Nhất (huyện Gia Lộc). Thấy cuộc sống dân làng nghèo khó, bà đã cấp vàng bạc cho người dân mua ruộng, xây dựng đền chùa.
Năm 1.117, thái hậu Ỷ Lan mất, triều đình cho sắc chỉ về Cẩm Cầu, Cẩm Đới lên kinh đô chịu tang và nhận huý về thờ. Để ghi nhớ công ơn của bà, nhân dân trong thôn đã xây dựng đền, chùa để thờ. Qua những đợt khai quật khảo cổ học tại khu di tích đã phát hiện được nhiều phế tích của kiến trúc cổ. Những gạch hoa lát nền có hoa cúc nổi, được xác định có niên đại thời Lý - Trần. Đền Đươi được công nhận Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia năm 1992…
Trước đó, lễ rước bộ diễn ra từ 6 giờ ngày 25/8 (22/7 âm lịch). |
Trải qua những biến thiên của thời gian và lịch sử, nhiều hạng mục của đền Đươi đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Vào cuối thế kỷ 20, di tích còn giữ lại các hạng mục công trình mang dấu ấn kiến trúc niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ thứ 17) và thời Nguyễn kiến trúc kiểu chữ “quốc", bao gồm các toà tiền tế, trung từ và hậu cung, 2 dãy giải vũ nối toà tiền tế với trung từ.
Nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương, trong 2 năm 2023 - 2024, di tích đền Đươi được đầu tư tu bổ tôn tạo các hạng mục cơ bản, gồm các tòa tiền tế, trung từ và hậu cung, 2 dãy tả hữu hành lang, nghi môn nội và một số hạng mục phụ trợ. Đền Đươi sau khi được tu bổ vẫn giữ nguyên bố cục kiến trúc. Các hạng mục được tôn tạo, tu bổ và nâng cấp bề thế, khang trang.
Đền Đươi sau khi tu bổ, tôn tạo khang trang, nhưng vẫn giữ được các giá trị độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật. |
Toà tiền tế gồm 3 gian, 2 dĩ, kiến trúc kiểu chữ “nhất", với 4 vì kèo chính, hệ thống cột, đầu dư, vì kèo… được làm bằng gỗ lim, kết cấu “chồng rường, giá chiêng"; cùng các bức chạm khắc tinh xảo. Hai tòa tiền tế và trung từ của đền được kết nối bởi hai dãy giải vũ, tạo thành một không gian khép kín.
Toà hậu cung có 3 gian, trong đó có một gian cung cấm. Tại đây bài trí khám thờ và tượng Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Đền Đươi còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, tế tự và cổ vật có giá trị, như 4 bộ kiệu, một long đình, 4 ngai thờ, một bộ bát bửu, 2 câu đối, một bát hương đồng, 2 nghê đá từ thế kỷ thứ 17.
Đến tháng 8/2024, Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi đã hoàn thành các hạng mục cơ bản, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật, có khuôn viên thoáng rộng, có cảnh quan đẹp.
Tiết mục biểu diễn múa lân tại lễ hội. |
Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Gia Lộc, địa phương đang từng bước đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, đầu tư phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của huyện.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Gia Lộc đã xây dựng đề án phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phương châm phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy những lợi thế, cơ hội phát triển của từng vùng và bảo vệ môi trường.
Tại lễ hội đền Đươi năm nay, huyện Gia Lộc đồng thời tổ chức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội với nhiều hoạt động bổ ích đã giúp người dân trong vùng và du khách thập phương được chiêm ngưỡng, trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc.