UBCKNN: Ưu tiên giải pháp để thị trường chứng khoán ổn định trở lại

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
07:58 - 13/05/2022
UBCKNN: Ưu tiên giải pháp để thị trường chứng khoán ổn định trở lại
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa cho biết, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Sau khi lập đỉnh cao nhất lịch sử 1.517,95 điểm trong phiên giao dịch đầu năm (4/1), chỉ số VN-Index đã chứng kiến đà lao dốc không phanh xuống ngưỡng 1.238,84 điểm (chốt phiên 12/5).

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh một số tác động từ thông tin trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới. Cùng với đó, việc thị trường trong nước tăng rất mạnh trong 2 năm qua cũng cần có những nhịp điều chỉnh để tích lũy, củng cố cho một chu kỳ tăng mới.

Trên thực tế, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua cũng đồng pha với diễn biến chung của thị trường trên thế giới. Thống kê cho thấy, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua những nhịp điều chỉnh giảm trong thời gian qua: Mỹ giảm -10,04%, Đức giảm -11,25%, Pháp giảm -8,66%, Trung Quốc giảm -16,28%, Hồng Kông (Trung Quốc) giảm -9,87%, Hàn Quốc giảm -9,49%, Nhật giảm -6,75% so với cuối năm 2021.

Nếu chỉ tính riêng các phiên giao dịch đầu tháng 5/2022, hầu hết thị trường chứng khoán thế giới cũng đều giảm điểm: Mỹ giảm -3,85%, Đức giảm -4,3%, Pháp giảm -5,83%, Trung Quốc giảm -1,41%, Hồng Kông (Trung Quốc) giảm -5,16%, Hàn Quốc giảm -3,13%, Thái Lan giảm -3,38%, Singapore giảm -3,01% so với cuối tháng 4/2022. Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất từ năm 2020 trong phiên giao dịch ngày 5/5/2022, khi nhà đầu tư bán tháo trên diện rộng, với hơn 90% mã cổ phiếu trong nhóm S&P 500 giảm điểm.

Ưu tiên sự ổn định ngắn hạn, kiên định mục tiêu phát triển dài hạn

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại.

“Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cự, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường” đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.

Tuy vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả.

Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn.

Song song đó, rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường.

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán.

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Dù việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.