Một khu dân cư tại Hlukhiv, Ukraine bị quân đội Nga tấn công ngày 19/11/2024. Ảnh: Dịch vụ Khẩn cấp Ukraine |
Theo thông tin từ một kênh Telegram được cho là có liên kết với quân đội Ukraine ngày 19/11, nhiều tên lửa ATACMS do Mỹ cũng cấp đã được bắn từ một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội Ukraine đã bắn tổng cộng khoảng 8 tên lửa, với 2 trong số đó bị Nga đánh chặn khi đang nhắm vào một địa điểm cung cấp đạn dược ở Karachev, một thành phố có khoảng 18.000 người ở vùng Bryansk của Nga.
Về phía Ukraine, quân đội nước này trong cùng ngày cũng tuyên bố đã tấn công một kho vũ khí quân sự ở vùng Bryansk của Nga nhưng không nêu cụ thể đã sử dụng loại vũ khí nào để tấn công. Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận có nhiều vụ nổ và tiếng nổ đã được ghi nhận ở khu vực mục tiêu xung quanh Karachev.
Khi trả lời câu hỏi liệu Ukraine có tấn công kho đạn dược của Nga ở vùng Bryansk bằng tên lửa tầm xa ATACMS hay không trong một cuộc họp báo ngày 19/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào. Tuy nhiên, ông tuyên bố rằng: "Ukraine có khả năng tấn công tầm xa, bao gồm cả UAV tầm xa sản xuất trong nước, và bây giờ chúng tôi cũng có ATACMS".
Trong một tuyên bố được các hãng thông tấn Nga đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội đã bắn hạ 5 tên lửa ATACMS và làm hỏng thêm một tên lửa nữa. Các mảnh vỡ rơi xuống lãnh thổ của một cơ sở quân sự không xác định và gây ra hỏa hoạn, nhưng không gây ra bất kỳ thiệt hại hoặc thương vong nào.
Trước đó, truyền thông phương Tây dẫn các nguồn tin ẩn danh cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS nhắm vào các địa điểm bên trong biên giới trước năm 2014 của Nga.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào. Nếu được xác nhận, đây sẽ là quyết định do Mỹ đưa ra sau nhiều tháng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Washington cho phép quân đội Kiev sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự nằm trong lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ "thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột”. Moscow cảnh báo việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ và các đồng minh của nước này “trực tiếp tham gia vào các hành động thù địch chống lại Nga”. Trong trường hợp này, Nga cảnh báo sẽ đưa ra phản ứng một cách “thỏa đáng và hữu hình”.
Cuộc tấn công ngày 19/11 của Ukraine cũng diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi. Tài liệu nêu rõ rằng Nga hiện sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.
Moscow cũng bảo lưu quyền xem xét phản ứng hạt nhân đối với cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền; cuộc tấn công bằng máy bay, tên lửa và máy bay không người lái của đối phương trên diện rộng nhắm vào lãnh thổ Nga, việc các khí tài này vượt qua biên giới Nga và một cuộc tấn công vào đồng minh Belarus của Nga.