![]() |
Baik Kyeong-hoon (phải) cùng nhân viên kỹ thuật trước màn hình hiển thị AI Yoon ở Seoul hôm 7/2. Ảnh: AFP |
Với hàng chục giờ đồng hồ ghi hình các hoạt động của ứng viên tổng thống đảng đối lập Sức mạnh Nhân dân Yoon Suk-yeol, nhóm kỹ thuật viên đã tạo ra hình ảnh kỹ thuật số có tên “AI Yoon” để đại diện cho Yoon Suk-yeol. AI Yoon được tạo ra trong nỗ lực vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử Hàn Quốc ngày 9/3.
Với mái tóc đen được chải gọn gàng và mặc bộ vest bảnh bao, AI Yoon rất giống ứng viên người Hàn Quốc. Tuy nhiên, ứng viên AI này lại những hài hước và châm biếm nhằm thu hút cử tri trẻ thường xem tin tức thời sự trực tuyến.
Ngay từ khi ra mắt hôm 1/1, AI Yoon đã thu hút hàng triệu lượt xem. Hàng chục nghìn người đã thích thú đặt câu hỏi với ứng viên này, nhưng thường là câu hỏi không liên quan tới chính sách.
"Nếu Tổng thống Moon Jae-in và ứng viên đối thủ Lee Jae-myung sắp chết đuối. Ông sẽ chọn cứu ai?”, một người hỏi. "Tôi sẽ chúc cả hai may mắn", ứng viên đã đối đáp lại.
![]() |
Công nghệ AI được dự báo sẽ sử dụng trong các chiến dịch tranh cử trong tương lai. Ảnh: AFP |
Ứng viên Yoon người thật đã thu âm hơn 3.000 câu nói, cung cấp 20 giờ âm thanh và hình ảnh để làm cơ sở dữ liệu cho AI, Baik Kyeong-hoon, giám đốc đội ngũ sáng tạo, nói. Nhưng thực chất, nội dung những câu trả lời của AI Yoon đều do nhóm vận động tranh cử viết chứ không phải ông Yoon nghĩ ra.
"Chúng tôi cố gắng đưa ra những câu trả lời vừa hài hước và châm biếm", ông Baik chia sẻ.
Những phát ngôn của AI Yoon ngay lập tức gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc. 7 triệu người đã truy cập trang web Wiki Yoon để đặt câu hỏi cho ứng viên ảo này.
"Nếu chỉ đưa ra các tuyên bố đơn thuần về chính trị, chúng tôi sẽ không tạo ra được phản ứng này", Baik nói. "Các phát ngôn chính trị đưa ra quá chậm trước một xã hội đang thay đổi chóng mặt".
Tuy nhiên, AI Yoon cũng gặp phải nhiều chỉ trích. Đặc biệt, Ko Sam-seog – một nhân viên trong đội vận động của ứng viên Lee Jae-myung – đối thủ chính của ông Yoon- cho rằng AI Yoon phát ngôn đi ngược với chuẩn mực chính trị. Ngoài ra, cách sử dụng lối nói hài hước của ứng viên AI nhằm làm chệch hướng dư luận khỏi những bê bối trong quá khứ của ông Yoon.
Dù vậy, công nghệ này đã đem lại hiệu quả. AI Yoon đang phát huy tác dụng khi giúp Yoon vượt lên dẫn trước đối thủ trong cuộc khảo sát với nhóm cử tri ở độ tuổi 20.
Theo luật bầu cử ở Hàn Quốc, các ứng viên sử dụng AI được phép tham gia chiến dịch vận động tranh cử, với điều kiện phải xác định rõ dùng công nghệ deepfake và không được lan truyền thông tin sai sự thật.
“AI sẽ là tương lai của các chiến dịch tranh cử”, ông Baik dự đoán. “Rất dễ dàng để tổng hợp và sử dụng một lượng lớn nội dung với công nghệ này. Công nghệ Deepfake sẽ ngày càng được sử dụng phổ biến hơn, đây là điều không thể tránh khỏi".
Deepfake (“deep learning” và “fake”) là một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo. Công nghệ này cho phép kết hợp và chồng các hình ảnh và video hiện có lên các hình ảnh hoặc video nguồn bằng cách sử dụng một kỹ thuật học máy.
Trên mạng xã hội từng lan truyền video deepfake mô phỏng Barack Obama chỉ trích Donald Trump hay ứng viên New York Andrew Yang tranh cử chức thị trưởng ở một thế giới ảo. Tuy nhiên, theo các nhà sáng tạo, AI Yoon được cho là ứng viên tranh cử nhân tạo chính thức đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ deepfake.