Chỉ số Chính sách SME ASEAN 2024 (ASPI 2024) vừa được công bố tại Vientiane (Lào) ngày 20/9/2024 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55.
Phát biểu tại cuộc họp chính sách SME, Bộ trưởng Công thương Lào, ông Malaythong Kommasith cho biết các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã tạo thành xương sống của nền kinh tế ASEAN. Ước tính có hơn 70 triệu SME trong khu vực, chiếm 97-99% trong tổng số doanh nghiệp và tạo ra khoảng 50% GDP của ASEAN. Các sản phẩm của SME chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hơn 80% tổng số việc làm, tương đương với khoảng 180 triệu việc làm. Những con số này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các SME trong việc việc đóng góp vào sự thịnh vượng của ASEAN.
Bộ trưởng Công thương Lào, Malaythong Kommasith. Ảnh: Vientiane Times. |
Để tăng cường vai trò của SME, Kế hoạch hành động chiến lược về phát triển SME giai đoạn 2016-2025 đã được xây dựng dẫn đến một lượng lớn các dự án được triển khai với sự hỗ trợ từ các đối tác chiến lược, với mục tiêu xây dựng khả năng phục hồi của các SME.
Chính vì lẽ đó, ASPI 2024 là công cụ chính để đánh giá tiến độ và thành tựu của việc thúc đẩy và phát triển SME tại ASEAN thông qua 8 lĩnh vực chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: Năng suất, công nghệ và đổi mới; chính sách môi trường và SME; tiếp cận tài chính; tiếp cận thị trường và quốc tế hóa; khung thể chế; luật pháp, quy định và thuế; giáo dục và kỹ năng kinh doanh và doanh nghiệp xã hội và SME hòa nhập.
Chỉ số Chính sách SME ASEAN 2024 là một nỗ lực chung giữa ASEAN thông qua Ủy ban Điều phối ASEAN về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Sáng kiến này góp phần vào việc đạt được các mục tiêu chiến lược của ASEAN và các kết quả mong muốn cho các SME như được nêu trong Kế hoạch hành động chiến lược 2016-2025 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ASEAN.
Từ các đánh giá được nêu chi tiết trong Chỉ số chính sách SME ASEAN, các ủy ban ASEAN, đối tác phát triển và các bên liên quan khác có liên quan có thể xây dựng các chính sách toàn diện và hiệu quả hơn nhằm tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có, bao gồm bí quyết sản xuất và hệ thống hậu cần để xây dựng khả năng phục hồi của SME.
“Tôi rất tin tưởng rằng ASPI 2024 sẽ được sử dụng làm tài liệu tham khảo cụ thể để xây dựng các chính sách thúc đẩy SME ở cấp quốc gia và khu vực và tôi mong muốn ghi nhận những thành tựu lớn hơn trong việc thúc đẩy SME trong phiên bản tiếp theo của Chỉ số chính sách SME ASEAN”, ông Malaythong cho biết.
Trước đó, ngày 27/7/2022, sau cuộc họp 55 quan chức từ các cơ quan phụ trách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của các quốc gia ASEAN, đại diện từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế GIZ của Đức và Ban Thư ký ASEAN, chương trình xây dựng Chỉ số Chính sách SME ASEAN 2024 đã chính thức được khởi động.