Ông Masayoshi Son, Tổng Giám đốc điều hành SoftBank. |
SoftBank dự kiến thu về 34 tỷ USD từ việc giảm cổ phần trong Alibaba
Reuters mới đây đưa tin SoftBank sẽ thu về 34,1 tỷ USD (4.600 tỷ Yên) thông qua quyết định chuyển giao 242 triệu cổ phiếu tại Alibaba cho các tổ chức tài chính khác. Trong đó 18,1 tỷ USD (2.400 tỷ Yên) đến từ việc định giá lại cổ phiếu của Alibaba và 5,3 tỷ USD (700 tỷ Yên) từ lãi chứng khoán phái sinh. Đồng nghĩa, SoftBank sẽ giảm cổ phần trong Alibaba từ 23,7% xuống 14,6%.
Theo tỷ phú Masayoshi Son, Tổng Giám đốc điều hành của SoftBank việc giảm cổ phần này có thể xua tan lo ngại về dòng tiền mặt bị rút ra trong tương lai, đồng thời tăng cường chiến lược phòng thủ của công ty này trong điều kiện thị trường không thuận lợi.
SoftBank cũng cho biết - trích dẫn theo một số báo chí nước ngoài, giao dịch này sẽ không dẫn đến việc bán thêm cổ phiếu của Alibaba trên thị trường vì cổ phiếu đã được bảo hiểm rủi ro tại thời điểm bắt đầu giao dịch và công ty này sẽ vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Alibaba.
SoftBank sẽ thu về 34,1 tỷ USD thông qua quyết định chuyển giao 242 triệu cổ phiếu tại Alibaba |
Trong nửa đầu năm nay, khi khoản lỗ từ các khoản đầu tư Vision Fund bắt đầu xuất hiện, ông Masayoshi Son dường như đang chuyển sang chiến lược phòng thủ bao gồm quyết định chốt lời từ các khoản đầu tư trước đó, như khoản đầu tư ở hãng gọi xe Uber. Quỹ đầu tư Vision Fund 1 đã bán toàn bộ cổ phần của Uber với một mức lợi nhuận được mô tả là "khiêm tốn".
Ngoài ra, ông Son được cho rằng cũng đang xem xét bán thêm tài sản và lên kế hoạch sa thải nhân sự để huy động tiền mặt đồng thời cắt giảm chi phí. Ông Masayoshi Son nói: “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên tại Quỹ đầu tư Vision Fund."
Trong một động thái khác, báo chí đưa tin Tổng Giám đốc điều hành của SoftBank bắt đầu đàm phán để bán Fortress Investment Group, công ty quản lý tài sản của SoftBank.
SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đang gặp khó khăn
Trong những năm qua, Quỹ đầu tư Vision Fund 1 của SoftBank với tài sản có tổng giá trị lên đến 100 tỉ USD, bao gồm cả tiền đóng góp từ Quỹ đầu tư nhà nước Saudi Arabia, đã từng làm rung chuyển giới khởi nghiệp với quy mô và chiến lược đầu tư quyết liệt.
Tất nhiên, SoftBank cũng đã từng thu về nhiều món hời lớn từ việc cổ phiếu tăng trưởng bùng nổ vào cuối năm 2020. Hai khoản đầu tư thông minh vào DoorDash, nền tảng đặt và giao đồ ăn trực tuyến với công ty thương mại điện tử của Hàn Quốc và Coupang đã đạt hơn 35 tỷ USD vào đúng thời kỳ đỉnh cao nhất.
DoorDash đã từng là một món đầu tư hời của SoftBank |
Theo Wall Street Journal, ông Tổng Giám đốc điều hành của SoftBank khi đó xác định đây là thời điểm thích hợp nhất để mạo hiểm, quỹ Vision Fund 2 liên tục đầu tư vào năm 2021, trung bình cứ cách ngày lại "rót" vốn vào một công ty.
Mặc dù chứng kiến nhiều thương vụ đổ bể, ông Son vẫn quyết định đầu tư 38 tỷ USD vào 183 công ty hồi năm ngoái.
Với bất kỳ nhà đầu tư mạo hiểm nào, đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Và rồi năm 2021, SoftBank Group công bố kết quả kinh doanh quý III năm đó, với khoản lỗ kỷ lục là 7,3 tỷ USD tại quỹ Vision Fund.
Về cơ bản, quỹ đầu tư Vision Fund được coi như một màn đặt cược vào các công ty khởi nghiệp. Những màn đổ vỡ điển hình có thể kể đến như thương vụ Greensill Capital, công ty khởi nghiệp xây dựng Katerra và một công ty làm pizza bằng robot. Cả 3 đều phá sản.
Thất bại lớn nhất có lẽ là công ty khởi nghiệp về không gian văn phòng WeWork, nơi ông Masayoshi Son đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vì cho rằng đây là một công ty công nghệ đột phá.
Cho đến thời điểm hiện tại, Quỹ đầu tư Vision Fund 2 đang thua lỗ nếu nói về các khoản đầu tư vẫn nằm trong bảng cân đối kế toán. Tính đến ngày 30/6/2022, SoftBank ước tính giá trị các khoản đầu tư ở quỹ này vào khoảng 37 tỷ USD (thấp hơn 11 tỷ USD so với số tiền đầu tư ban đầu).
10 tỷ USD tại WeWork từng được coi là thất bại lớn nhất của SoftBank |
Tờ Crunchbase từng miêu tả cách đầu tư của Softbank là "hung hăng" và "điên rồ". Một khi xác định được mục tiêu, tập đoàn này ký kết ngay trong ngày, bỏ qua quá trình thẩm định dài dòng và thường đề xuất mức định giá cao hơn nhiều so với các thương vụ vốn đầu tư mạo hiểm (VC) thông thường.
Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân có thể đã dẫn đến các khoản lỗ của SoftBank ngày càng phình to là xu hướng tăng trưởng ảm đạm của giới công nghệ. Rất nhiều trong số gần 300 công ty tư nhân mà Softbank đầu tư đã giảm giá trị.
Dường như thói quen của ông Masayoshi Son mỗi khi thị trường biến động là thay vì chỉ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, SoftBank sẽ rót tiền rộng rãi, từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, logistics, phần mềm kinh doanh đến trò chơi điện tử. Ông mạo hiểm “bắt tay’’ nhiều thương vụ bằng các khoản đầu tư lớn. Rồi sau đó ngậm ngùi chứng kiến chúng lao dốc không phanh. Hậu quả là quy trình thẩm định và định giá doanh nghiệp không được chăm chút nhiều như trước.
Có lẽ, vận đen vẫn còn đeo đuổi tập đoàn Nhật Bản này khi SoftBank cũng đang chứng kiến sự bất ổn trong nội bộ. Những tháng gần đây, ít nhất 4 nhân sự cấp cao đã có kế hoạch rời đi. Tờ Bloomberg đưa tin một trong những giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn đã đệ đơn xin từ chức sau một cuộc tranh chấp lương bổng.