Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/5, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 87,50 – 90,0 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Mức giá này được điều chỉnh giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán so với rạng sáng hôm qua.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,5 – 89,0 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm mạnh giá vàng SJC tới 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua. Giá niêm yết thời điểm này là 87 – 89 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Cùng xu hướng giảm của SJC, vàng nhẫn trong nước sáng nay cũng ghi nhận sự điều chỉnh giảm giá của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm tới 550.000 đồng/lượng cả 2 chiều nhẫn tròn trơn. Nhà vàng này đang niêm yết vàng nhẫn ở mức 74,88 – 76,38 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
SJC niêm yết vàng nhẫn ở mức 74,65 – 76,35 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng so với rạng sáng hôm qua.
Trên thị trường thế giới, trên Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 2.338 USD/ounce, giảm 22 USD/ounce.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh do các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ vào cuối tuần này, điều này có thể làm sáng tỏ thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS, có thể một số hoạt động chốt lời trước dữ liệu CPI quan trọng trong tuần này đang gây áp lực lên giá vàng hôm nay. Để giá vàng tăng thêm, cần phải có sự chậm lại rõ ràng trong chỉ số lạm phát.
Trong khi đó, ông Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management cho rằng, giá vàng có thể giảm sau đợt tăng mạnh lên mức 2.400 USD/ounce. Ông dự đoán, giá vàng tuần này có khả năng đi ngang.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, sáng 14/5 sẽ tiếp tục thực hiện đấu thầu 16.800 lượng vàng. Tại thông báo của Ngân hàng Nhà nước về đấu thầu vàng miếng lần thứ 6, giá cọc được nâng lên 88 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,7 triệu đồng/lượng so với giá cọc của cuộc gọi thầu lần 5.