Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo triển vọng năm 2025 mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) bày tỏ lạc quan với thị trường chứng khoán trong năm tới, với nhiều yếu tố hỗ trợ.
Về vĩ mô, đơn vị phân tích cho biết, việc Chính phủ tập trung chuyển hướng sang phát triển mạnh kinh tế thông qua hai trụ cột chính giúp tác động tới hiệu quả đến kinh tế quốc gia và tâm lý nhà đầu tư.
Thứ nhất là cải cách khuôn khổ pháp lý, tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa quy trình pháp lý để đẩy nhanh tốc độ, tiết giảm chi phí vận hành và thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập các Bộ, ngành để tối ưu hóa nhân lực biên chế, quản lý Nhà nước hiệu quả. Các sửa đổi pháp lý quan trọng được thông qua trong Kỳ họp thứ 8 gồm: Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Thuế gia trị gia tăng (VAT)...
Thứ hai là nỗ lực ngoại giao, thúc đẩy FDI, trở thành đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia lớn, đa dạng hóa thương mại thay vì phụ thuộc vào 1-2 quốc gia.
Theo VCBS, Việt Nam đã và đang dần cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế khi GDP năm 2024 được dự báo đứng đầu khu vực ASEAN (theo World Bank), đem đến kỳ vọng lớn cho năm 2025. Đơn vị phân tích dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ đạt 7-7,5%.
Về định giá thị trường chứng khoán, Chứng khoán Vietcombank cho biết, hiện VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 13,2x, khá thấp so với bình quân khu vực (khoảng 15x) và dưới 1 lần độ lệch chuẩn so với bình quân 5 năm (5Y avg – 1 stdv). Vùng 5Y avg – 1 stdv thường được coi là mốc hỗ trợ đầu tiên cho P/E của thị trường. Trong 5 năm vừa qua, VN-Index đã 5 lần chạm vào mốc này sau đó hồi phục trở lại.
P/E các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: VCBS |
Định giá P/E 5 năm của VN-Index. Nguồn: VCBS |
VCBS cũng dự báo lợi nhuận toàn thị trường (EPS) tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, ở mức 12%, với động lực từ ngân hàng và bất động sản. Cùng với đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi khi Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE. Với hai tiêu chí còn lại, tiêu chí pre-funding (ký quỹ trước giao dịch) đã được sửa đổi, đang chờ FTSE đánh giá. Còn tiêu chí chi phí giao dịch thất bại đang trong quá trình xây dựng.
Đơn vị phân tích dự kiến FTSE xem xét nâng hạng chính thức cho thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 3/2025 và chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025.
Trong kịch bản cơ sở, VCBS dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt 1.555 điểm với P/E đạt 14,6x và EPS thị trường tăng 12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Chứng khoán Vietcombank cũng dự báo thanh khoản thị trường có thể đạt 29.500 – 30.500 tỷ đồng/phiên cho cả 3 sàn, với mức tăng tập trung kể từ giữa quý 2/2025, dựa trên các cơ sở:
Kỳ vọng VN-Index đạt 1.555 điểm, vốn hóa toàn thị trường dự kiến tăng 20%-25%, giá trị giao dịch sẽ tăng tương ứng. Dựa trên thống kê trong quá khứ, tương quan giữa giá trị giao dịch và điểm số lên tới 94%.
Với việc chỉ số DXY ổn định, dự báo duy trì ở mức cao, xu hướng rút ròng của khối ngoại vẫn có thể diễn ra song ở mức thấp hơn so với 2024.
Với việc được FTSE nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón dòng tiền ròng lên tới 1,3 – 1,5 tỷ USD trong quý 3/2025.
Việc chuyển sàn của BSR và MCH có thể giúp giao dịch trên HoSE sôi động hơn. Đồng thời BSR và MCH đều nâng room ngoại lên lần lượt 49% và 50%. Đây hầu như là những cổ phiếu vốn hóa lớn, vị thế cao trong ngành, có thể thu hút thêm nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường.
Bộ trưởng Tài chính: Hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 |
'So bó đũa, chọn cột cờ' chủ đề đầu tư năm 2025 |
Những doanh nghiệp đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 |