Việt Nam bàn giao 2 hệ thống góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số tại Lào

Hợp Tác Lào
08:50 - 12/01/2023
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) cùng Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara bấm nút khai trương hai hệ thống. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) cùng Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara bấm nút khai trương hai hệ thống. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 11/1, tại thủ đô Vientiane, diễn ra lễ bàn giao Nền tảng Đào tạo trực tuyến mở (MOOCs) và Hệ thống Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) cho Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.

Bàn giao 2 hệ thống góp phần giúp Lào đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Đây là hai dự án được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hỗ trợ về hệ thống và chuyên môn, được đánh giá sẽ góp phần giúp Lào đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Triển khai Biên bản ghi nhớ giữa hai bộ ký ngày 1/9/2021 và các nội dung tại cuộc gặp ngày 11/10/2022, hai bên đã thống nhất thực hiện 2 dự án nêu trên với sự hỗ trợ về hệ thống và chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Qua hơn hai tháng thực hiện, các dự án nêu trên đã bảo đảm về tiến độ và được giao nhận nhân chuyến thăm chính thức Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam.

MOOCs là hệ thống do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trao tặng cho Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào, được thực hiện bởi hai doanh nghiệp gồm Tổng Công ty Viễn thông Mobifone của Việt Nam và Công ty Star Telecom (Unitel) của Lào.

Tới nay, nền tảng đào tạo trực tuyến này đã tương đối hoàn chỉnh về dữ liệu và đã hoàn thành việc biên soạn các giáo trình từ tiếng Việt sang tiếng Lào.

Trên MOOCs hiện có 18 giáo trình, gồm 3 chuyên mục chính: chuyển đổi số, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng chung. Trong đó, các khóa học chuyển đổi số phù hợp với người học là lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp. Các khóa học chuyên ngành có các nội dung chuyên sâu theo các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, giáo dục, nông nghiệp, y tế... Các khóa học về kỹ năng chung nhắm tới đối tượng là toàn bộ người dân Lào.

Hệ thống MOOCs được xây dựng với kỳ vọng phổ cập kỹ năng số, là chìa khóa để toàn bộ người dân tham gia và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Lào.

Về Hệ thống Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC), đến nay các đơn vị triển khai là Cục An toàn thông tin (AIS) Việt Nam, Cục An ninh mạng Lào và Công ty Star Telecom (Unitel) đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án (tháng 12/2022), giúp Lào có thể kiểm tra sự cố và các lỗ hổng tấn công hệ thống máy tính cũng như trao đổi thông tin dấu hiệu tấn công mạng với Cục An toàn thông tin Việt Nam.

Hệ thống giúp Lào có thể theo dõi, giám sát và ngăn chặn các mối đe dọa trực tuyến, bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu số của Chính phủ Lào, bảo vệ hệ thống máy tính và hệ thống trang web của Chính phủ và khu vực tư nhân Lào với tính bảo mật rất cao.

Cục trưởng Cục An ninh mạng Lào Khamla Sounnalat đánh giá hệ thống phần mềm của Việt Nam cung cấp cho phía Lào mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân cả nước Lào, giúp thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển nền kinh tế số quốc gia Lào từ nay cho đến hết năm 2030.

Khánh thành Dự án Học viện Kinh tế - Tài chính Dongkhamxang giai đoạn 3

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 11/1, tại thủ đô Vientiane, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã dự lễ khánh thành Dự án xây dựng Học viện Kinh tế - Tài chính Dongkhamxang giai đoạn 3. Dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2022 với tổng mức đầu tư 176 tỷ đồng, trong đó có 158 tỷ đồng là vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam.

Các đại biểu cắt băng khánh thành giai đoạn 3 dự án Học viện Kinh tế-Tài chính Dongkhamxang.

Các đại biểu cắt băng khánh thành giai đoạn 3 dự án Học viện Kinh tế-Tài chính Dongkhamxang.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết kể từ giai đoạn đầu tiên của dự án năm 2006 đến nay, cơ sở vật chất của Học viện Kinh tế - Tài chính Dongkhamxang đã từng bước được nâng cấp và đến nay khang trang, hiện đại, đáp ứng được quy mô đào tạo cho 4.000 sinh viên và bồi dưỡng cho cán bộ, công chức toàn ngành tài chính quốc gia Lào.

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng dự án sẽ là cái nôi đào tạo ra những thế hệ sinh viên ưu tú, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao góp phần vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, đưa Lào trở thành một nước phát triển, hội nhập toàn diện với nền kinh tế thế giới.

Dự án gồm 4 khối nhà phục vụ học tập, ký túc xá, nhà thể chất và hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ, trang thiết bị giảng dạy.

Tin liên quan

Đọc tiếp