Văn kiện Hiệp định CEPA được ký bởi Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi.
Hiệp định được ký kết trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE đang phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là hiệp định thương mại tự do có thời gian đàm phán nhanh nhất của Việt Nam, thể hiện sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo cũng như Bộ, ngành hai nước nhằm tạo đột phá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, mở ra con đường lớn, có ý nghĩa lịch sử cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông.
Hai nhà lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ ký kết Hiệp định CEPA, hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab. Nguồn: VGP. |
Hiệp định gồm 18 Chương, 15 Phụ lục và 2 thư song phương với các nội dung gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, pháp lý – thể chế.
Trong đó, đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
"Đường lớn đã mở"
Hiện nay, UAE là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam tiếp cận các thị trường trong khu vực này cũng như các thị trường khác ở Tây Á và Châu Phi. Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau.
Do vậy, CEPA là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Đồng thời, có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và dịch vụ chất lượng của UAE, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Ngược lại, hàng hóa và dịch vụ của UAE sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN thông qua vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Cụ thể, chia sẻ với báo chí về những ngành hàng của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CEPA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, đầu tiên phải kể đến là ngành hàng nông sản.
"Các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Hơn nữa, đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra.
Tiếp đó là ngành hàng tiêu dùng bao gồm dệt may, da giày, điện tử... Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE, một thị trường có nhu cầu cao về thời trang và hàng tiêu dùng chất lượng.
Xếp thứ ba là ngành hàng thủy sản. Theo Bộ trưởng Công Thương, với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.
Cuối cùng là ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là mặt hàng cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CEPA nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp liên tục phát triển tại UAE khiến nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ.
Hiệp định CEPA hứa hẹn mang lại lợi ích cân bằng cho cả hai nước và phù hợp với mong muốn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam và UAE. Nguồn: VGP. |
Thách thức đặt ra
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mặc dù "đường lớn đã mở", nhưng trong quá trình thực thi Hiệp định CEPA sẽ đặt ra một số thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần lưu ý.
Trước hết, Bộ trưởng cho rằng, các doanh nghiệp cần làm sao để tận dụng tối đa các cơ hội mà CEPA mang lại. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và thị trường Trung Đông nói chung.
Ngoài ra, với các nước Arab thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng, nhưng do đây không phải là thị trường truyền thống nên các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước khác vốn đã quen với các quy định nhập khẩu này từ rất lâu.
"Tuy nhiên, tôi tin tưởng với các quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ thời gian qua, các Bộ, ngành sẽ tích cực vào cuộc cùng hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua các khó khăn này," ông Diên bày tỏ.
Trước những thách thức đó, để hiện thực hóa các cam kết trong CEPA Việt Nam - UAE, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ dự kiến sẽ xây dựng chi tiết Kế hoạch thực thi Hiệp định CEPA, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.
Đầu tiên là về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CEPA. Bộ Công Thương sẽ tăng cường phổ biến về nội dung và tác động dự kiến của Hiệp định cho các đối tượng có liên quan. Trong đó, Bộ sẽ chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về các cam kết cụ thể của Việt Nam và UAE trong Hiệp định, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng về nội dung và cách áp dụng các cam kết, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.
Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã cam kết trong Hiệp định CEPA, trong đó bao gồm Nghị định của Chính phủ về ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của CEPA để áp dụng cho UAE, Thông tư về quy tắc xuất xứ trong CEPA.
Về công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tập trung triển khai đồng bộ các công việc như xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong quá trình tìm kiếm, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới trong khu vực và đáp ứng các yêu cầu tại nước nhập khẩu trong đó có chứng chỉ Halal.
Đồng thời, việc kết nối để các doanh nghiệp UAE đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics… cũng sẽ là nội dung quan trọng trong kế hoạch thực thi.