Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới còn rất nhiều việc phải làm nhằm thu hẹp khác biệt, thậm chí là sự trái ngược trong quan điểm đàm phán của nhiều quốc gia, nhóm quốc gia về vấn đề sản xuất, cung ứng, các sản phầm nhựa và hóa chất đáng quan ngại, cơ chế tài chính…
Hội nghị liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa lần thứ 5 (INC-5) sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề này được diễn ra từ ngày 24/11 đến 01/12/2024 tại Busan, Hàn Quốc.
Để chuẩn bị tham gia cuộc đàm phán, ngày 5/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã tổ chức hội thảo kỹ thuật với chủ đề “Hướng tới Busan - Kịch bản cho Việt Nam” nhằm tham vấn và xây dựng phương án của Việt Nam cho buổi làm việc tới đây.
Toàn cảnh hội thảo kỹ thuật "Hướng tới Busan - Kịch bản cho Việt Nam". Ảnh: UNDP |
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT, cho biết “Thỏa thuận toàn cầu khi được thông qua, có hiệu lực thực thi chắc chắn sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới. Thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa…”
Theo ông Tuấn, yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho Đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5 ở Busan, Hàn Quốc, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam, bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật (nếu có).
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: UNDP |
Xem xét tầm quan trọng của việc vận động cho các điều khoản trong thỏa thuận để đảm bảo hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển, ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng ban Môi trường biến đổi khí hậu và năng lượng của UNDP Việt Nam, nhấn mạnh: “Điều này sẽ bao gồm nhu cầu hỗ trợ cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận, chẳng hạn như lực lượng phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhựa."
Đại diện của UNDP cũng đề cập đến sự chuẩn bị cho việc tuân thủ thỏa thuận thông qua nội luật hóa điều ước quốc tế. Nghĩa là, để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam có thể cần cân nhắc bắt đầu sửa đổi các điều luật liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế sản phẩm, kiểm soát hóa chất, quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng như các chính sách thuế và phí.
Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT.
Ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng ban Môi trường biến đổi khí hậu và năng lượng của UNDP Việt Nam. Ảnh: UNDP |
Tác động của INC tới ngành công nghiệp nhựa 25 tỷ USD của Việt Nam
Đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Tổng thư ký Huỳnh Thị Mỹ cho biết, ngành nhựa hiện có 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với lực lượng lao động lớn (250.000 người) mang lại nguồn doanh thu năm 2023 lên tới 25 tỷ USD. Trong cơ cấu ngành nhựa, sản xuất bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất (38%), hàng gia dụng chiếm 30%, nhựa trong xây dựng 23% và nhựa kỹ thuật 9%.
Theo bà Mỹ, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hướng sang nghiên cứu phát triển, sản xuất các vật liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường như các phế phẩm nông nghiệp có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng làm vật liệu phân hủy sinh học từ lá thông, trấu, vỏ chuối, bã mía để sản xuất bao bì…
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa cũng cần được đẩy mạnh từ khâu thiết kế, áp dụng nguyên tắc thiết kế sinh thái, tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu; khâu sản xuất sử dụng công nghệ sạch, giảm thiểu chất thải và tiêu thụ năng lượng; cho đến tiêu dùng cần khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế và có thể tái sử dụng; và khâu thu gom, tái chế cần xây dựng hệ thống thu gom hiệu quả và áp dụng công nghệ tái chế tiên tiến.
Đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam nêu kiến nghị, việc giảm ô nhiễm nhựa chủ yếu tập trung vào nâng cao ý thức, phát triển công nghệ tái chế và cải tiến quy trình sản xuất, thay vì loại bỏ nhựa khỏi chuỗi cung ứng.
Vấn đề cốt lõi là cần tập trung vào việc chấm dứt ô nhiễm nhựa, chứ không phải chấm dứt sản xuất nhựa. Giới hạn sản xuất thực tế sẽ phản tác dụng, như một nghiên cứu gần đây của Oxford Economics đã chỉ ra rằng, việc giới hạn sản xuất nhựa nguyên sinh sẽ mang lại những rủi ro lớn - cả về chi phí kinh tế và hậu quả môi trường không mong muốn của các giải pháp thay thế, với người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ phải gánh chịu phần lớn chi phí.
Theo nghiên cứu cho hay, mặc dù phần lớn lượng chất thải nhựa rò rỉ đến từ 31% lượng polymer được tiêu thụ bởi thị trường bao bì, nhưng giới hạn sản xuất sẽ tác động đến 100% thị trường, bao gồm y tế, sản xuất thực phẩm, ô tô, xây dựng, dệt may và điện tử.
Ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn của UNDP cho biết thêm, sẽ có một số tác động bất lợi nhất định đến nền công nghiệp nhựa của Việt Nam nếu Thỏa thuận thông qua các quy định về kiểm soát và loại bỏ hóa chất quan ngại trong sản xuất nhựa.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng về các giải pháp hóa chất và phụ gia thay thế, điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm thiểu tính cạnh tranh của các sản phẩm nhựa từ thị trường Việt Nam, thậm chí tác động đến việc làm của gần 300.000 lao động trong ngành nhựa.
Tuy vậy, phía UNDP cũng cho rằng lợi ích về sức khỏe và môi trường là rõ ràng, đồng thời mở ra cơ hội cho khối doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tìm kiếm các vật liệu và giải pháp thay thế nhựa truyền thống.
Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa
Bằng cách thúc đẩy nghiên cứu, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể tiên phong và chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường có thể cùng phát triển song hành.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm thiểu rác thải nhựa của WWF-Việt Nam. Ảnh: UNDP |
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm thiểu rác thải nhựa của WWF-Việt Nam, phiên họp INC-5 tới đây không chỉ là cơ hội để chúng ta đóng góp thành công vào một Thỏa thuận toàn cầu mà còn là dịp để Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, trở thành một hình mẫu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.”
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã hình thành chiến lược và đặt ra mục tiêu rõ ràng về sản xuất và sử dụng bao bì nhựa. Nhiều giải pháp sáng tạo đã được công bố như các giải pháp số kết nối người lao động trong lĩnh vực tái chế của VECA, MGREEN, vật liệu thay thế do Công ty An Phát phát triển, cơ sở thu hồi vật liệu mới ở Bình Định và các sáng kiến của ngư dân mang rác về bờ…
Hay điển hình như tại Unilever, với quan điểm coi nhựa như một nguồn tài nguyên, doanh nghiệp đã xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa thực hiện trong bốn năm qua, hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Dự án "Kinh tế tuần hoàn nhựa" đặt mục tiêu 100% bao bì sản phẩm đều có thể tái chế vào năm 2025, thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra. Trong giai đoạn từ 2022 đến 2027, Unilever sẽ hợp tác cùng các đối tác để hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa.
Hiện, Unilever đang phối hợp với USAID và EY đưa dự án Circle Alliance về Việt Nam nhằm hỗ trợ chyên môn và tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nhựa tái sinh phát triển mạnh hơn.
Trong năm 2024, Unilever Việt Nam cũng phối hợp với Bộ TN&MT, Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), phát động cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa” nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.