VASEP cho biết, UAE nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam mã HS0304. Các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu vào UAE đang bị áp mức thuế 5%. Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường này sẽ mở rộng hơn nếu FTA giữa Việt Nam và UAE có hiệu lực và đưa thuế nhập khẩu thủy sản vào quốc gia này về 0%, điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang UAE ghi nhận tăng từ 1,6 triệu USD năm 2019 lên gần 4 triệu USD năm 2023, tăng 139% trong 5 năm. Việt Nam hiện là một trong ba nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này.
Sang năm 2024, tính đến hết tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang UAE chỉ ở mức gần tương đương so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh: VASEP |
Đánh giá về tiềm năng thị trường, thông tin từ VASEP cho biết, UAE hiện đứng hàng đầu về kinh tế trong các nước Ả rập và đứng thứ 17/61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của quốc gia này cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1%, khoảng 90% lượng thủy sản tiêu thụ của UAE đến từ việc nhập khẩu.
UAE còn được đánh giá là nền kinh tế ổn định nhất thế giới. Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của UAE dự kiến tăng trưởng ổn định ở mức 4% vào năm 2024 và đạt 5,1% vào năm 2025. Mặc dù khu vực Trung Đông và Trung Á chỉ được dự báo tăng trưởng trưởng lần như 2,4% và 3,9% vào các năm 2024 và 2025, UAE vẫn vượt trội nhờ nền kinh tế phi dầu mỏ đang phát triển mạnh và chính sách công hiệu quả.
Ngày 28/10, tại Dubai, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). Hiệp định gồm 18 Chương, 15 Phụ lục và 2 thư song phương với các nội dung gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, pháp lý – thể chế. Trong đó, hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE. Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay. Hiện nay, UAE là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam tiếp cận các thị trường trong khu vực này cũng như các thị trường khác ở Tây Á và Châu Phi. Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau. CEPA là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Đồng thời có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và dịch vụ chất lượng của UAE, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Ngược lại, hàng hóa và dịch vụ của UAE sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN thông qua vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực. |