Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao quà kỷ niệm cho ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam. Ảnh: MARD. |
Theo thông tin của Cổng thông tin Bộ NN&PTNT, tại buổi làm việc với ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestle Việt Nam, ngày 15/3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, các địa phương đều đánh giá cao sự tham gia của Nestle trong chuỗi giá trị cà phê Việt Nam.
Trong các đối tác của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Nestle là một trong những đối tác tích cực và mang lại hiệu quả nhất. "Chúng tôi mong muốn Nestle thúc đẩy hơn nữa giá trị gia tăng cho cà phê và tăng thu nhập cho người trồng cà phê Việt Nam tương xứng với công sức bỏ ra trong chuỗi giá trị cà phê”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Gợi mở nhiều sáng kiến hợp tác
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, tính bền vững của các ngành hàng nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng xuất phát từ người sản xuất đầu tiên, đó chính là người nông dân và các hợp tác xã.
Bộ NN&PTNT đang có những hoạt động hỗ trợ người nông dân đạt được năng suất cao hơn và có sự tham gia bình đẳng với các đối tác khác trong ngành hàng cà phê. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Nestle có nhiều sáng kiến hơn và tiếp tục cùng đồng hành để người nông dân và các hợp tác xã trở thành nền tảng của chuỗi ngành hàng.
Bộ trưởng đề xuất Nestle đầu tư nghiên cứu nhằm biến các phế phẩm cà phê trở thành hóa chất sinh học hoặc đầu vào cho các ngành hàng khác. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đề nghị Nestle hướng tới đối tượng là phụ nữ và người dân tộc thiểu số. “Nestle có thể phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện một chương trình chính thức về tăng cường năng lực và sự tham gia của phụ nữ và người dân tộc thiểu số trong chuỗi ngành hàng cà phê”, Bộ trưởng gợi mở.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập đến việc Nestle có thể phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tạo không gian giao lưu cho người nông dân về mọi vấn đề của ngành hàng cà phê. Ông hy vọng công tác truyền thông của Nestle sẽ giúp định hình hình ảnh văn hóa cà phê Việt Nam.
Trước các đề xuất của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Tổng giám đốc Nestle Binu Jacob bày tỏ sự nhất trí. Về tận dụng các phế phẩm cà phê, đại diện Nestle cho biết, đã thực hiện sáng kiến này tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai.
“Bã cà phê được xử lý thành các chế phẩm sử dụng cho các ngành khác. Bã bùn thải được sử dụng làm phân vi sinh và thay thế dầu diesel làm chất đốt, giúp giảm phát thải CO2 mỗi năm. Bên cạnh đó, Nestle còn có công nghệ tuần hoàn nước trong sản xuất cà phê. Lượng nước sau khi xử lý đạt chuẩn loại A của Bộ Y tế và có thể sử dụng trong sinh hoạt, tưới tiêu”, ông Binu Jacob cho biết.
Khẳng định Việt Nam là nguồn cung cấp cà phê lớn, đóng vai trò quan trọng với Nestle, ông Binu Jacob thông tin, Nestle đã đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất cà phê tại Việt Nam, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất nhằm tăng giá trị cho cà phê Việt Nam.
Ông Binu Jacob (bên trái) trong buổi làm việc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: MARD. "Một trong những ưu tiên của Nestle là thay đổi hình ảnh cà phê Việt Nam, chuyển từ việc xuất thô sang tăng giá trị cho cà phê Việt Nam. Nestle đã xuất khẩu cà phê Việt Nam sang các thị trường lớn, trong đó có dòng cà phê cao cấp. Nhờ chính sách cấm mua bán và sử dụng hóa chất cấm trong trồng cà phê, chất lượng cà phê xanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện”.
Về sự tham gia của phụ nữ trong ngành hàng cà phê, ông Binu Jacob cho biết, Nestle đã thành lập 274 nhóm nông dân, trong đó 30% trưởng nhóm nông dân là nữ. Nestle sẽ xem xét lồng ghép chương trình dành cho người dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
“Đối với Nestle, việc tăng thu nhập cho người trồng cà phê có ý nghĩa rất quan trọng. Nestle mong muốn được tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN&PTNT trong sáng kiến Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực-thực phẩm Việt nam (FIHV) và các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp”, Tổng giám đốc Nestle khẳng định.