Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan năm thứ 10 liên tiếp

Giao thương THÁI LAN
13:47 - 25/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,4 tỷ USD, đây là năm thứ 10 Việt Nam nhập siêu từ thị trường này trong nửa đầu năm.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022 lần đầu tiên thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan đạt mốc 10 tỷ USD trong nửa đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Thái Lan đạt 3,6 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa đạt 7 tỷ USD, tăng lần lượt 20% và 6,6%.

Nhìn chung, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Thái Lan chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp, trong đó Thái Lan là thị trường cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam trong nhiều năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Thái Lan đã xuất khẩu 27.427 chiếc ô tô, đạt mức 552 triệu USD. So với 10 năm trước (tức năm 2013), con số này đã tăng lên từ 3.297 chiếc lên 27.427 chiếc; từ 59,8 triệu USD lên 552,9 triệu USD.

Tuy nhiên so với 6 tháng đầu năm 2021, con số này lại ghi nhận giảm đáng kể tại các thị trường, bao gồm cả Thái Lan. Ô tô cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng âm lớn nhất trong các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam.

Ngay từ đầu năm, lượng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đã ghi nhận sụt giảm lớn. So với 6 tháng đầu năm 2021, lượng ô tô nhập khẩu đã giảm hơn 12.000 chiếc trong nửa đầu năm 2022.

Sự sụt giảm này có thể xuất phát từ việc ô tô sản xuất, lắp ráp, sản xuất trong nước được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ (từ 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022) của Chính phủ. Điều đó khiến sự cạnh tranh của xe nhập với xe nội địa giảm đi đáng kể, kéo theo lượng nhập khẩu cũng ít hơn.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu cũng ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy khiến loạt xe khan hiếm.

Ngoài ô tô, một số mặt hàng nguyên liệu, công nghiệp khác cũng ghi nhận tăng trưởng âm như giấy các loại giảm 9,9%; sản phẩm từ sắt théo giảm 11,5%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 15,9%... Hàng rau quả và gỗ cũng ở mức -22,9% và -15,9%.

Ở chiều ngược lại, trước biến động của thế giới, một số mặt hàng nhập khẩu cũng tăng trị giá theo. Cụ thể, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga đã khiến nguồn cung dầu mỏ trở nên khan hiếm, kéo theo giá xăng dầu cũng tăng theo. Xăng dầu nhập khẩu từ Thái Lan trong nửa đầu năm đã tăng tới hơn 96% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 634 triệu USD.

Ngoài xăng dầu, dầu ăn cũng là mặt hàng chịu tác động lớn từ cuộc xung đột này khi Nga và Ukraine chiếm khoảng 75% nguồn cung dầu hướng dương của thế giới (nguyên liệu nấu ăn quan trọng của nhiều quốc gia). Từ đó, các nguồn cung dầu khác được hướng đến, kéo theo giá cả tăng lên. Bên cạnh đó, vấn đề logistics tăng cao trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến nguồn cung.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu dầu mỡ động vật từ Thái Lan đã tăng tới 131% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng tốt

Sau 2 năm đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan khởi sắc và phát triển trở lại. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, riêng tại khu vực ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (đứng sau là Campuchia đạt 3,2 tỷ USD; Malaysia đạt 3 tỷ USD; Philippines đạt 2,5 tỷ USD…).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thái Lan vẫn là các mặt hàng công nghiệp, trong đó máy móc thiết bị, điện thoại, máy vi tính vẫn là các sản phẩm đứng đầu, đạt lần lượt 448 triệu USD; 466 triệu USD và 280 triệu USD.

Mặt hàng có mức tăng trưởng tốt nhất là sản phẩm hóa chất, tăng tới 100% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh, các mặt hàng nguyên liệu như dầu thô, giấy, xơ sợi dệt cũng tăng trưởng đáng kể, lần lượt là 62%, 96% và 51%.

Đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, hạt điều và cà phê là hai mặt hàng có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, hàng thủy sản lại tăng hơn 20%; hạt tiêu tăng 47%.

Hiện Thái Lan là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn của quốc gia này cũng tương đối lớn. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện các sản phẩm như thủy sản, rau, quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nhiều mặt hàng như trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng. Nhiều mặt hàng nông sản trái cây tươi đến nay Thái Lan vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Thái Lan không cạnh tranh được như vải và thanh long. Đồng thời nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập thanh long, vải từ Việt Nam về bán trong các hệ thống siêu thị lớn.

Doanh nghiệp Thái Lan cũng phải nhập nông sản nguyên liệu để chế biến. Năm 2020, nước này nhập khẩu lượng rau, quả tươi và chế biến có giá trị hơn 2,6 tỷ USD.

Hiện Thái Lan đang duy trì 4 kênh phân phối chính, bao gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. Mỗi kênh phân phối có đặc điểm riêng cho nên nếu muốn xuất khẩu sang thị trường này, phải tìm hiểu kỹ về phân khúc khách hàng cũng như nhu cầu của mỗi phân khúc. Thương mại điện tử cũng là một kênh doanh nghiệp có thể tận dụng xuất khẩu khi mà mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Thái Lan tương đối phổ biến.

Tin liên quan

Đọc tiếp