Việt Nam - Oman: Nỗ lực phát triển quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế

Hợp Tác Oman
08:06 - 08/06/2023
Kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp Hợp tác về Kinh tế và Kỹ thuật giữa Việt Nam và Oman.
Kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp Hợp tác về Kinh tế và Kỹ thuật giữa Việt Nam và Oman.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/6/2023 đánh dấu cột mốc 31 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Oman. Trong suốt thời gian qua, hai quốc gia đã không ngừng nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và đầu tư.

Mối quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ giữa Việt Nam và Oman được thể hiện qua sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, thường xuyên trao đổi các chuyến thăm chính thức cấp cao, tổ chức các cuộc gặp gỡ và xúc tiến thương mại của doanh nghiệp hai nước.

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Oman không ngừng được đẩy mạnh với khoảng 10 hiệp định, thỏa thuận và 3 biên bản ghi nhớ đã được ký kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, thương mại, nhân lực, tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, sản xuất…

Trong đó, những thỏa thuận quan trọng nhất đã đạt được là thành lập Ủy ban hỗn hợp Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Việt Nam – Oman, Hiệp định thành lập Hội đồng Doanh nhân chung, Thỏa thuận thành lập Nhóm tham vấn chính trị… Hay gần đây nhất, ngày 28/4/2022, hai nước đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa hai nước.

Nhờ đó, hoạt động thương mại song phương ngày càng gia tăng và phát triển mạnh mẽ. Số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Oman đạt mức 117 triệu USD vào năm 2017, tăng lên 127 triệu USD năm 2018, đạt 200 triệu USD năm 2019. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 338,1 triệu USD năm 2021, tăng 100% so với năm 2020 là 168 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Oman gồm có điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, linh kiện ô-tô và một số loại nông sản như cà phê, hải sản, rau quả, hạt tiêu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập chủ yếu từ Oman kim loại thường, quặng và khoáng sản, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị Oman hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy cấp chứng nhận Halal (chứng nhận bảo đảm sản phẩm phù hợp với người Hồi giáo) cho các sản phẩm thương mại, nông sản, thực phẩm từ Việt Nam xuất sang Oman cũng như thị trường Trung Đông.

Quỹ VOI - hình mẫu tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác kinh tế

Năm 2008, một quỹ đầu tư được thành lập và hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước, Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (Vietnam – Oman Investment VOI). Đây là liên doanh giữa Oman Investment Authority (OIA) - vốn trước đây là Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) và Tổng Công ty Đầu tư vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC).

Với vai trò là cầu nối giữa 2 quốc gia, VOI kỳ vọng tạo nên giá trị tăng trưởng lâu dài và bền vững cho nền kinh tế, thông qua các khoản đầu tư tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Từ số vốn cam kết ban đầu là 100 triệu USD, đến nay Quỹ VOI đã giải ngân hơn 330 triệu USD vào khoảng 17 khoản đầu tư trong các lĩnh vực đường cao tốc, năng lượng tái tạo, nước sạch đô thị, bệnh viện, dược phẩm, trường đại học, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, bất động sản, nông nghiệp.

Buổi lễ khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời BCG-CME Long An 1.

Mảng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đều được Việt Nam và Oman quan tâm phát triển nhằm thực hiện cam kết về giảm phát thải và giảm hiệu ứng nhà kính. Quỹ VOI đã rót vốn đầu tư vào một số dự án thủy điện (Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh), điện gió tại Bình Thuận, Vĩnh Long, điện mặt trời (Nhà máy điện mặt trời 140 MW CME Long An)… Thông qua liên doanh VOI-CME Solar, Quỹ VOI cũng tập trung phát triển các dự án năng lượng mặt trời công nghiệp trên mái các nhà máy, công xưởng phục vụ nhu cầu chuyển dịch năng lượng, dùng năng lượng sạch cho sản xuất của các doanh nghiệp.

Cùng với các đối tác địa phương, Quỹ VOI hợp tác phát triển các dự án xử lý nước cung cấp hàng triệu mét khối nước sạch giúp nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người tại Nhà máy nước Hậu Giang, Nhà máy nước Sông Đuống, hệ thống phân phối nước huyện Củ Chi - TP HCM.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các dự án của VOI không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn đóng góp đáng kể vào việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Quốc lộ 14 đoạn qua phía Nam TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Từ năm 2012, VOI tham gia đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Cơ sở hạ tầng TP HCM (CII) - một công ty với nhiều dự án hạ tầng nổi bật đã định hình cảnh quan TP. Hồ Chí Minh và khu vực xung quanh, như: Cầu Rạch Chiếc, Cao tốc Hà Nội, Cầu Sài Gòn 2, Cầu Bình Triệu 1, Dự án Phát triển Lakeview 1,2 (Thủ Thiêm)...

Ngoài ra, Quỹ VOI còn rót vốn vào hệ thống bệnh viện Vinmec, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc An Giang, Công ty Dược phẩm Aikya, hệ thống giáo dục Đại học Văn Lang, dự án trồng ca cao sạch ở Tây Nguyên, Công ty Bất động sản Văn Phú.

Có thể nói, Quỹ Đầu tư VOI là một hình mẫu tiêu biểu, làm cầu nối cho mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Oman trong suốt 15 năm qua.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Oman sẽ tiếp tục duy trì sự phát triển toàn diện thông qua các kỳ họp thường niên của Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam – Oman. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau, đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu. Phát huy mô hình thành công tương tự như Liên doanh Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), tiếp tục thu hút doanh nghiệp Oman đầu tư sang Việt Nam vào các lĩnh vực tiềm năng như dầu khí, tài chính, ngân hàng, lao động, nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp