Toàn cảnh Hội nghị Kết nối hợp tác Kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới. Ảnh: Anh Thư |
Ngày 31/3, Bộ Công Thương đã phối hợp với Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Kết nối hợp tác Kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới.
Tăng cường kết nối, giao lưu, xúc tiến thương mại giữa Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc)
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan chính quyền, lãnh đạo các thành phố/địa phương Quảng Tây, các hiệp hội và khoảng 80 doanh nghiệp của Quảng Tây trong các lĩnh vực như dịch vụ logistics, sản xuất và thương mại nông lâm thủy sản, du lịch, vật liệu xây dựng, thương mại điện tử, đầu tư…
Với sự tham dự của gần 300 đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm kiếm, kết nối, tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn lẫn nhau. Từ đó tăng cường mối quan hệ hợp tác, kinh doanh, góp phần đưa quan hệ thương mại Việt - Trung phát triển ngày càng ổn định, cân bằng và bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quảng Tây có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc, là địa phương duy nhất của Trung Quốc có cửa khẩu biên giới và hầu hết các loại hình giao thông với Việt Nam.
Đây là một trong những cửa ngõ quan trọng hàng đầu để hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc và cũng là một trong những cửa ngõ quan trọng trong hợp tác Trung Quốc - ASEAN.
Theo thống kê của Việt Nam, trao đổi biên giới giữa các cửa khẩu đất liền của Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đã lên tới 22,65 tỷ USD, chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước và chiếm 96% tổng kim ngạch thương mại giữa các cửa khẩu đất liền với Trung Quốc.
Nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam, giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diễn chia sẻ một số giải pháp kết nối hai bên.
Trước tiên, cần đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng biên giới, hạ tầng thương mại. Khẩn trương khôi phục các hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa xuất khẩu của 2 nước, nhất là hàng nông thủy sản. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ, số trong quá trình quản lý hàng hóa thông quan.
Chú trọng, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính có thể gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt là xem xét bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với lái xe nhập khẩu, cấp visa 1 năm đối với lái xe tại cửa khẩu. Đồng thời, thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng của 2 bên về những thay đổi trong chính sách, cơ chế, cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời tháo gỡ.
Phối hợp tổ chức nhiều hơn các cuộc kết nối, xúc tiến thương mại giữa hai bên, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại kết nối hai thị trường.
"Đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng hai bên phát huy vai trò, cầu nối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp kết nối với các đối tác có nhu cầu hợp tác, đầu tư qua đó, mở rộng hơn nữa quy mô hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước, chú trọng thực hiện đa dạng hóa cửa khẩu, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt với nhóm hàng nông sản, trái cây, tránh tình trạng quá tập trung hàng hóa vào một cửa khẩu gây ùn ứ hiện nay."
Về phía doanh nghiệp, nhà sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu, bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu phía Trung Quốc, nhất là với mặt hàng nông, thủy sản, để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, xây dựng vùng sản xuất bền vững, tránh ồ ạt chuyển hướng khi thấy nhu cầu tăng cao tại một thời điểm nhất định.
Đồng thời, chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để tạo nguồn hàng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Chủ động kết nối, giao lưu, tìm hiểu giữa doanh nghiệp Việt Nam - Quảng Tây
Bộ Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây nói riêng và doanh nghiệp Trung Quốc nói chung quan tâm, tìm hiểu, tận dụng các cơ hội đầu tư, kinh doanh, tại Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động hợp tác, kinh tế, thương mại ổn định, hiệu quả, đảm bảo các quy định thương mại của Việt Nam và của luật pháp, thông lệ quốc tế.
Về phía mình, Bộ Công Thương và các bộ ngành của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng như tỉnh Quảng Tây để làm cầu nối giữa hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai. Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhằm giúp các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Nhằm thực hiện tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi, ông Đào Việt Anh, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, trong năm 2023, Cục sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia 5 hội chợ lớn của Trung Quốc đồng thời phối hợp với Đại sứ quán, các Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức các đoàn doanh nghiệp Trung Quốc sang dự 2 hội chợ lớn của Việt Nam là Vietnam EXPO lần thứ 32 và Triển lãm Công nghiệp thực phẩm quốc tế.
Cục Xúc tiến thương mại sẽ chủ động tổ chức các đoàn doanh nghiệp, khu công nghiệp, các địa phương sang thăm, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, khu công nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Anh Thư |
Bên cạnh đó, năm nay, Cục Xúc tiến thương mại sẽ chủ động tổ chức các đoàn doanh nghiệp, khu công nghiệp, các địa phương sang thăm, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, khu công nghiệp Trung Quốc để chủ động giới thiệu về các tiềm năng, hợp tác, đầu tư của Việt Nam tới các doanh nghiệp Trung Quốc.
Khác với những năm trước, khi thường là các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ sang Việt Nam khảo sát nhà máy, năng lực sản xuất của các khu công nghiệp tại Việt Nam, năm nay, với sự chủ động này, ông Đào Việt Anh kỳ vọng sự chủ động này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác, phát triển hơn.
Về phía Trung Quốc, ông Hạ Cao Phong, người phụ trách lĩnh vực công thương của TP Sùng Tả - thành phố có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc, cho biết, hiện nay thành phố đang có những cơ chế tạo thuận lợi cho việc thông quan nhằm giải quyết và giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu đường bộ giữa hai nước.
Ngoài ra, nhằm hướng tới mục tiêu thương mại song phương giữa thành phố với Việt Nam đạt trên 500 tỷ NDT (tương đương khoảng 72,8 tỷ USD), thành phố đang tích cực xây dựng các tuyến logistics kết nối giữa hai bên và giữa khu vực Đông Nam Á.
Thành phố cũng sẽ thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng xuyên biên giới và đã xây dựng các chuỗi sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Ông Cao Phong cũng chia sẻ thêm, trong năm nay TP Sùng Tả sẽ tiếp tục có các cơ chế chính sách thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai nước, trong đó có các chính sách khuyến khích đầu tư, thương mại, các chính sách về tạo luồng xanh cửa khẩu cho hàng nông sản, thực phẩm.
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tính đến năm 2022, Việt Nam đã 24 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Trong giai đoạn 2012 – 2022, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Quảng Tây được duy trì ở mức tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng trung bình 11,7% mỗi năm.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là dệt may, linh kiện điện thoại, mạch điện tích hợp, da giày, sản phẩm gốm sứ… Còn Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm dây diện và dây cáp, thiết bị thông tin liên lạc, hạt gốc hoặc tấm gỗ….