Việt Nam và ASEAN: 30 năm tiến trình hội nhập kinh tế

Việt Nam và ASEAN: 30 năm tiến trình hội nhập kinh tế

Giao thương asean
17:32 - 27/06/2024
Gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995 là cột mốc đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, kết nối giao thương, tạo đà cho các bước hội nhập sâu rộng hơn vào "sân chơi" khu vực và quốc tế.

Nhân dấu mốc đầy ý nghĩa này, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) để cùng nhìn lại hành trình Việt Nam trở thành một đối tác thực sự năng động, tích cực và tham gia có trách nhiệm vào phát triển kinh tế của khu vực.

Mekong ASEAN: Chuyên gia đánh giá như thế nào về cơ hội của Việt Nam sau gần 30 năm gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)?

Sau gần 60 thành lập, đến nay, ASEAN đã trở thành một liên kết kinh tế mạnh mẽ với mức độ tự do hóa cao trong lĩnh vực, thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, đồng thời cũng là một nền kinh tế lớn, trung tâm thương mại quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng của ASEAN năm 2023 đạt 4,5%, cao hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng của nhóm các nước phát triển; thương mại nội khối đạt trên 856 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN; đầu tư nội khối đạt gần 27 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng FDI của cả khu vực.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam là một cầu nối quan trọng giữa các nước ASEAN và các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu vực kinh tế đặc biệt (SEZs) và chuỗi cung ứng khu vực.

Với việc hội nhập toàn diện vào khu vực chung ASEAN, đã tạo thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Đông Nam Á; nâng cao vị thế thành viên và tiếp cận tốt hơn thị trường các nước đối tác của ASEAN có trên 1 tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ, các thị trường phát triển "khó tính" như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này lên nhiều lần so với trước đây.

Việc hội nhập kinh tế thành công trong ASEAN cũng giúp nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế và hợp tác kinh tế quốc tế.

Với cộng đồng doanh nghiệp Việt, gia nhập ASEAN mở ra cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN với hơn 700 triệu dân, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cùng đó, môi trường đầu tư cởi mở và thuận lợi hơn tại ASEAN giúp doanh nghiệp Việt thu hút nhiều nhà đầu tư từ khu vực cũng như toàn thế giới.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu hội nhập cao hơn, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động.

Mekong ASEAN: Trong bức tranh hội nhập chung vào ASEAN, hợp tác kinh tế luôn là mảng hợp tác sôi động với nhiều kết quả cụ thể và thiết thực nhất cho Việt Nam?

Nhìn lại chặng đường 30 năm, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại và đầu tư với các quốc gia thành viên ASEAN thông qua một loạt cơ chế thỏa thuận song phương và đa phương như:

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa và có sự lưu chuyển thông thoáng hơn về dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sự hợp tác khá chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế ngành và kết nối đáng kể với nền kinh tế toàn cầu.

Thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN cũng cơ bản hoàn thành dỡ bỏ thuế 98,6% các dòng sản phẩm. Trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trung bình của các thành viên ASEAN-6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) là 99,3% và của 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là 97,7%.

Mức độ liên kết kinh tế giữa ASEAN và các Quốc gia đối tác cũng được cải thiện đáng kể, thể hiện qua việc thực hiện các Hiệp định khung về Dịch vụ, Đầu tư, Hợp tác kinh tế và Thuế quan.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng mở rộng hợp tác với các khu vực khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc). Trong đó, có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với mức độ cam kết sâu rộng hơn đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã tạo ra cơ hội mới để mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam và tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.

Kết quả của các thoả thuận và hài hoà hoá chính sách, thể chế là kim ngạch thương mại nội khối ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ, từ 147 tỷ USD năm 2010 lên 622 tỷ USD năm 2020, biến ASEAN trở thành thị trường lớn thứ 5 thế giới. Việt Nam hưởng lợi đáng kể, xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng 169%, nhập khẩu tăng 142% trong vòng 10 năm qua.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN tăng từ 108 tỷ USD năm 2010 lên 174 tỷ USD năm 2021, đưa ASEAN trở thành khu vực thu hút FDI lớn thứ 3 thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam thu hút lượng FDI đáng kể từ các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác kinh tế trong các ngành công nghiệp chiến lược: Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ASEAN trong các ngành công nghiệp chiến lược như công nghệ thông tin, năng lượng, và nông nghiệp. Việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển nguồn nhân lực đã tạo ra cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của các ngành này.

Mekong ASEAN: Đâu đang và sẽ là những thách thức trong quá trình Việt nam hội nhập vào khu vực ASEAN, thưa ông?

Thực tế, hoạt động thương mại giữa Việt Nam với ASEAN mà cụ thể là cán cân xuất nhập khẩu còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa khai thác hết tiềm năng của Việt Nam và ASEAN, hoạt động thương mại của Việt Nam với ASEAN còn theo xu hướng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu.

Số liệu thống kê của Cơ quan thống kê ASEAN cho thấy trong năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 69.892 triệu USD, chỉ chiếm tỷ lệ 14% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, đáng chú ý Việt Nam vẫn còn ở tình trạng nhập siêu với thị trường này.

Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN năm 2023 đạt 32,5 tỷ USD, nhập khẩu từ ASEAN đạt 40,8 tỷ USD. Năm 2023, Việt Nam nhập siêu 8,3 tỷ USD hàng hóa từ khối thị trường này.

Ngoài ra, các nước ASEAN-6 có trình độ phát triển cao nên đòi hỏi tiêu thụ hàng hóa chất lượng cao, khác biệt hoàn toàn với các nước ASEAN-4 có thu nhập thấp và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cấp thấp. Đây là sự phân hóa thị trường lớn khiến nhu cầu hàng hóa bị xé lẻ, không thống nhất và rất khó để xâm nhập thị trường.

Trong thời gian tới, Việt Nam cũng phải đối diện với một số thách thức trong hội nhập, giao thương khu vực như:

Cạnh tranh kinh tế: Với sự hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Để vượt qua thách thức này, Việt Nam cần tăng cường năng lực cạnh tranh, đầu tư vào nâng cao chất lượng và hiệu suất sản xuất, và phát triển các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.

Thích ứng với tiêu chuẩn và quy định chung: Tiến trình hội nhập ASEAN yêu cầu Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định chung về thương mại, công nghiệp, và dịch vụ. Việt Nam cần nâng cao khả năng thích ứng và tuân thủ để đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được yêu cầu của thị trường khu vực và quốc tế.

Phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực: Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế và công nghiệp. Điều này bao gồm cải thiện hệ thống giao thông, năng lực sản xuất, và chất lượng lao động.

Hợp tác và đổi mới: Để vượt qua những thách thức, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác khác trong và ngoài khu vực. Việt Nam cũng cần thúc đẩy đổi mới công nghệ và sáng tạo để tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mekong ASEAN: Đâu sẽ là những giải pháp để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào khu vực ASEAN cũng như vươn rộng ra các khối kinh tế trên thế giới?

30 năm gia nhập thị trường, Việt Nam đã khẳng định mình là một thành viên năng động và trách nhiệm. Nhiều giải pháp Việt Nam đang làm và cần làm tốt hơn nữa trong thời gian tới:

Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm: Để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường ASEAN và quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu. Điều này bao gồm việc đầu tư vào nghiên cứu phát triển, công nghệ, và quản lý chất lượng để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao và khác biệt.

Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn lực con người, đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ.

Phát triển hạ tầng vận tải và logistics: Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng vận tải và logistics để cải thiện hiệu suất vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí logistics. Điều này sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường ASEAN và giảm thời gian và chi phí giao hàng.

Ngoài ra, các hạ tầng mềm về kết nối thông tin, thanh quyết toán điện tử, không dùng tiền mặt cũng cần đẩy mạnh trong Việt nam cũng như giữa Việt nam và các quốc gia ASEAN.

Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu: Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược quảng bá thương hiệu để tăng cường nhận diện và uy tín của các sản phẩm xuất khẩu trên thị trường ASEAN và toàn cầu. Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sẽ giúp tạo ra sự tin cậy và lòng tin từ phía các đối tác thương mại.

Hợp tác cùng các doanh nghiệp trong khu vực: Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN để tăng cường quy mô sản xuất, mở rộng thị trường và chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiếp cận các thị trường địa phương.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Một số rào cản phi thuế quan như thủ tục hành chính rườm rà, tiêu chuẩn kỹ thuật khác biệt vẫn còn tồn tại, cản trở hoạt động thương mại và đầu tư và tạo chi phí kinh doanh cao cả trong ASEAN và Việt Nam. Do vậy, cần tiếp tục hài hòa hóa tiêu chuẩn, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp