Việt Nam xuất siêu 3,6 tỷ USD trong tháng 1/2023

Thương Mại XUẤT KHẨU
19:19 - 29/01/2023
Việt Nam xuất siêu 3,6 tỷ USD trong tháng 1/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023 có tới 28/34 mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng sụt giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên cán cân thương mại vẫn xuất siêu 3,6 tỷ USD. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) ngày 29/1, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 của Việt Nam ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng giá trị xuất khẩu tháng 1/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, Việt Nam ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD trong tháng này.

Theo báo cáo của GSO, nguyên nhân sụt giảm kim ngạch trong tháng 1 do đây là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng 12/2022 và so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, việc xuất nhập khẩu giảm còn có nguyên nhân từ việc kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm. Nhìn từ sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh, cũng có thể lý giải điều này.

Về thị trường xuất nhập khẩu

Tháng 1/2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt khoảng 8,1 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu hàng hóa sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD, giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%.

Trong tháng 1, Việt Nam nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3% so với cùng kỳ.

7 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Theo báo cáo, tháng 1/2023, Việt Nam có 28/34 mặt hàng xuất khẩu chính ghi nhận tăng trưởng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Mặt hàng có mức tăng trưởng sụt giảm nhất là xơ, sợi dệt các loại với -47,8%; đứng sau là sắt thép -44,7%; clanke xi măng -44,1%... Các mặt hàng điện tử cũng ghi nhận giảm hai con số, bao gồm máy vi tính, điện tử và linh kiện -11,5%; điện thoại và linh kiện -18,6%; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác -25,2%...

Ngược lại, mặt hàng có mức tăng trưởng tốt nhất trong tháng là dây điện và cáp điện với +11,4%; đứng sau là giấy và các sản phẩm giấy +5,9%..,

Tháng 1/2023, Việt Nam có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, ước đạt 4 tỷ USD; đứng sau là máy vi tính, điện tử và linh kiện, ước đạt 3,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 2,8 tỷ USD: dệt may đạt khoảng 2,5 tỷ USD…

Trong nhóm nông, thủy sản, 3 mặt hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương là chè, rau quả, sắn và sản phẩm sắn với lần lượt +1,7%, +3,1%, +4%.

Rau quả và sắn ghi nhận mức tăng trưởng trên trong bối cảnh Trung Quốc – thị trường xuất khẩu rau quả và sắn lớn nhất của Việt Nam – khôi phục thông quan các cửa khẩu giáp biên giới Việt - Trung từ 8/1/2023.

Trong khi đó, thủy sản lại tiếp tục lao đao sau đà giảm vào các tháng cuối năm 2022. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thách thức cản trở tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm 2023.

Kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu thuỷ sản sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và giá nhập khẩu so với năm 2022. Lạm phát và các chi phí sản xuất, xăng dầu tiếp tục tăng, đẩy giá thành lên cao và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng…

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 258 triệu USD, chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hàng công nghiệp chế biến ước đạt 22,32 tỷ USD, chiếm 89%. Hàng nông sản, lâm sản ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%. Hàng thủy sản ước đạt 0,6 tỷ USD, chiếm 2,4%.

Kim ngạch nhập khẩu giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022

Trong tháng 1, phần lớn các mặt hàng nhập khẩu chính đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022 (26/37 mặt hàng, chiếm 72% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Trong đó, hàng điện gia dụng và linh kiện có mức giảm cao nhất với -53,5%; tiếp đến là điện thoại và linh kiện -50,9%; vải -50,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng -46,3%...

Ngược lại, khí đốt hóa lỏng là mặt hàng ghi nhận kết quả tăng trưởng cao nhất và cũng là mặt hàng duy nhất tăng trưởng 3 con số với +112,4%; kế đến là xăng dầu +92,6%; dầu thô +43,8%...

Trong tháng 1/2023, Việt Nam có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, điện tử và linh kiện với khoảng 4,8 tỷ USD; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 2,2 tỷ USD...

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 1/2023, tư liệu sản xuất ước đạt 19,97 tỷ USD, chiếm 93% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 41,1%. Hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 51,9%. Hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 7%.

Tin liên quan

Đọc tiếp