Việt Nam xuất siêu gần 4 tỷ USD trong nửa cuối tháng 8

XNK Việt nAM
08:46 - 12/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, kỳ 2 tháng 8/2022, xuất khẩu của Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 15,7 tỷ USD. Như vậy, nửa cuối tháng 8/2022, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam ghi nhận xuất siêu 3,97 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 8/2022 (từ 16/8 đến 31/8/2022) đạt 35,42 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 499 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 252 tỷ USD, nhập khẩu đạt 247 tỷ USD.

Trong tổng giá trị xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 346,32 tỷ USD, tăng 16,2%. Doanh nghiệp trong nước đạt 153,38 tỷ USD, tăng 15,4%.

Về cán cân thương mại, kỳ 2 tháng 8/2022 Việt Nam xuất siêu 3,97 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 5,49 tỷ USD.

Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 77 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 81,7 tỷ USD, tăng 12%.

8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 47,8 tỷ USD, tăng 21,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 9 tỷ USD, giảm 3,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 320 triệu USD, giảm 74,7%.

Xuất khẩu đạt gần 20 tỷ trong nửa cuối tháng 8

Kỳ 2 tháng 8/2022, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 19,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với kỳ 1 tháng 8/2022. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch trong kỳ này biến động tăng mạnh so với kỳ 1 ở một số nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 64,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 24,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 30,5%; hàng dệt may tăng 21,2%...

Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 252 tỷ USD, tăng 18,3%. Trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 185 tỷ USD, tương ứng chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; doanh nghiệp trong nước đạt 67 tỷ USD, tương ứng chiếm 28%.

Việt Nam có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt 39,6 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện điện tử đạt 36,1 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp FDI chiếm số lượng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA” trong tháng 8 vừa qua, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: “Xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa thể mang tính bền vững. Việt Nam liên tục xuất siêu nhưng xuất siêu đó lại thuộc về doanh nghiệp FDI trong khi doanh nghiệp nội địa lại chịu cảnh nhập siêu. Trong các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam như dệt may, da giày, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70% đóng góp xuất khẩu. Riêng đối với lĩnh vực điện tử thì chiếm tới gần như 100%".

2 mặt hàng nhập khẩu đạt trên 30 tỷ USD

Trong kỳ 2 tháng 8/2022, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 15,73 tỷ USD, tăng 3,2% so với kỳ 1 tháng 8/2022. So với kỳ 1, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa kỳ 2 tăng ở một số nhóm hàng lớn đều tốt. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 9,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,9%; kim loại thường tăng 15,3%...

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 160,89 tỷ USD, tương ứng chiếm 65,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước đạt 86,22 tỷ USD, tương ứng chiếm 34,8%.

Việt Nam có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 2 mặt hàng đạt trên 30 tỷ USD. Cụ thể, điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng duy nhất đạt kim ngạch trên 56 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 21%. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ 2, đạt 30,5 tỷ USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.