Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam lớn nhưng không mang tính bền vững

FTA Việt nAM
14:34 - 17/08/2022
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam lớn nhưng không mang tính bền vững
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương đánh giá xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trong những năm qua và liên tục xuất siêu nhưng chưa bền vững, do xuất siêu chủ yếu thuộc về doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp nội địa lại chịu cảnh nhập siêu. 

Hiện nay, Việt Nam đã ký tổng 15 FTA với các quốc gia, khối thị trường trên thế giới , trong đó nổi bật nhất là CPTPP và EVFTA. Nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt trội. Trong đó, kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu sang khối EU đã tăng từ 34,8 tỷ USD năm 2020 lên 39,9 tỷ USD năm 2021

Việt Nam là cường quốc xuất khẩu

Phát biểu tại hội thảo "Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA", do báo Công Thương tổ chức ngày 16/8, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: “Xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng kinh tế”.

Ông Phương cho biết, hiện nay Việt Nam được đánh giá là cường quốc xuất khẩu khi xếp thứ 24 trên tổng số hơn 200 quốc gia trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, trên dưới 20%/năm. Từ năm 2012 đến nay (trừ năm 2015) Việt Nam luôn là quốc gia xuất siêu.

Trong khi đó, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vương Đức Anh thông tin, năm 2020, Việt Nam đã vượt Bangladesh và Ấn Độ để trở thành thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của thế giới (sau Trung Quốc).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa thực sự tận dụng được các FTA để đưa nền kinh tế Việt Nam bước sang một trang mới.

Doanh nghiệp nội địa "lép vé" trước doanh nghiệp FDI khiến xuất khẩu kém bền vững

Nói rõ về vấn đề này, ông Phương cho biết, doanh nghiệp FDI hiện chiếm 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi đó doanh nghiệp nội địa chỉ nắm khoảng 1/4. Có thể thấy, doanh nghiệp FDI đang chiếm ưu thế và có mức tăng trưởng cao hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ảnh tác giả

“Xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa thể mang tính bền vững. Chúng ta biết Việt Nam liên tục xuất siêu nhưng xuất siêu đó lại thuộc về doanh nghiệp FDI trong khi doanh nghiệp nội địa lại chịu cảnh nhập siêu. Trong các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam như dệt may, da giày, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70% đóng góp xuất khẩu. Riêng đối với lĩnh vực điện tử thì chiếm tới gần như 100%".

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, ông Lê Quốc Phương

Theo ông Phương, thực tế, dù doanh nghiệp FDI đóng góp lớn cho nền kinh tế Việt Nam nhưng lợi nhuận lại chảy về quốc gia của họ.

Ngoài ra, FTA cũng đang trở thành con dao hai lưỡi khi một mặt mang lại ưu đãi cho Việt Nam, một mặt tạo ưu đãi cho các doanh nghiệp đối thủ tại các nước thành viên. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh rất lớn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, tiềm lực của nhiều doanh nghiệp Việt còn hạn chế, khó có thể tiếp cận, giữ vững thị trường trước các đối thủ mạnh.

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký – Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam nhận định, điểm yếu của xuất khẩu Việt Nam hiện nay là hàng hóa xuất khẩu mới chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô hoặc chế biến thô (đối với nông sản), lắp ráp (đối với công nghiệp chế tạo). Không tạo ra được sản phẩm cuối cùng để xây dựng thương hiệu của riêng Việt Nam.

Các FTA cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong lĩnh vực nông sản, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng hóa trong lĩnh vực dệt may, da giày cũng phải có khả năng tái chế.

Các nước EU cũng đang đặt ra nhiều mục tiêu xanh. “Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may” mà Ủy ban châu Âu (EC) trình bày trước Nghị viện vào ngày 17/5 vừa qua là chiến lược mới nhất trong những nỗ lực trên. Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi chưa kịp chuyển đến mô hình "xanh hóa".

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang bắt đầu chuyển sang sử dụng các loại sợi làm từ nguyên liệu xanh, có khả năng tái chế trước yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang bắt đầu chuyển sang sử dụng các loại sợi làm từ nguyên liệu xanh, có khả năng tái chế trước yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Mặc dù gỡ bỏ thuế quan nhưng các nước thành viên cùng FTA lại đang dựng lên những hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, chống trợ cấp, chống phá giá và tự vệ. Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, hàng hóa Việt Nam đã trở thành đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, từ 2011 đến nay có 173 vụ, chiếm 78%.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Trước những khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc thực thi các FTA, bà Xuân nhận định, doanh nghiệp không nên tập trung nguồn lực vào một thị trường để tránh rủi ro khi thị trường đó có biến động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Trong lĩnh vực da giày, dệt may, doanh nghiệp cần tạo ra và sở hữu những sản phẩm chất lượng cao với nhân công có chứng chỉ tham gia để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tự chủ nguyên liệu là vấn đề sống còn mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Hiện nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất tốt nhưng dệt may vẫn chưa thể tận dụng được các FTA lớn như CPTPP và EVFTA do vấn đề xuất xứ hàng hóa. Nguyên nhân chính là do CPTPP yêu cầu xuất xứ từ công đoạn sợi – vải – cắt may đều phải thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, còn EVFTA yêu cầu từ vải.

Trong khi đó, ngành da giày được đánh giá là tích cực trong việc chủ động nguồn nguyên liệu. Nếu như trước đây, tỷ lệ nội địa hóa ở mức 40 – 45% thì đến nay đã đạt 55%. Bà Xuân cho biết, thời gian tới sẽ nâng mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa từ 70 đến 80%.

Đồng quan điểm, ông Đức Anh cũng cho rằng tự chủ là hướng đi quan trọng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Ảnh tác giả

“Tự chủ nguyên liệu sẽ là hướng đi quan trọng, giúp doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may nói chung phát triển bền vững. Nếu không tự chủ được thì doanh nghiệp khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu”

Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vương Đức Anh

Nhằm giải quyết vấn đề về phòng vệ thương mại, ông Lê Hoàng Tài cho biết, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với văn phòng, cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài để được nghe tư vấn, hỗ trợ về trường hợp của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức trong việc thúc đẩy mạnh sử dụng kỹ thuật sản xuất, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, được truy xuất nguồn gốc.

Về phía chuyên gia, ông Phương cho rằng: “Nhà nước phải có chính sách thực thi quyết liệt để chuyển xuất khẩu từ hàm lượng tỷ lệ nội địa thấp sang hàm lượng có tỷ lệ nội địa hóa cao”.

Về phía Cục Xúc tiến thương mại, Cục sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, các hiệp hội ngành hàng cho bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, hạn chế tối đa đưa hàng nhái, hàng giả đi xuất khẩu. Thời gian qua, phái Cục đã tổ chức một loạt các phiên tư vấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Thông qua những đề xuất cũng như những hỗ trợ trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận và tiến sâu hơn vào thị trường các nước thành viên. CPTPP và EVFTA đều là những FTA lớn trên thế giới với quy mô dân số đông. Nếu doanh nghiệp nội địa tận dụng được các hiệp định trên thì tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sẽ không chỉ dừng lại ở 1/4 trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp