Toàn cảnh đại hội cổ đông thường niên 2023 tại Vietinbank. (Ảnh: Thu Trang) |
Kế hoạch tăng vốn lên trên 60.000 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phiếu
Tại đại hội, ban lãnh đạo Vietinbank đã trình kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 12.330 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ tức để trả cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Vietinbank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Do đó, trong năm nay, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ Vietinbank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức tương đương với 25,66%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 60.387 tỷ đồng.
Trường hợp tại thời điểm phát hành, ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ, thì tỷ lệ chia cổ tức là 22,96%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại).
Thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2022, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế 2022 của Vietinbank là 16.379 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và hơn 2.300 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận còn lại là 11.521 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Không trình kế hoạch kinh doanh cụ thể do tình hình kinh tế khó đoán
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến tình hình kinh doanh trong quý 1/2023, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Trần Minh Bình cho biết, chưa có tiền lệ nào như năm 2023 này.
"Trong báo cáo đánh giá về năm 2023, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra 60 lần từ 'không chắc chắn', ngoài ra IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thêm 1% so với đầu năm. Tình hình thế giới hiện tại giống như bức tranh Mona Lisa - tuy mỉm cười nhưng khó dự đoán được", Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết.
Việt Nam là một điểm sáng so với các quốc gia khác trên thế giới, tuy nhiên cũng có những vấn đề đặt ra như nguồn lực đầu tư nước ngoài, tiêu dùng, đơn hàng xuất khẩu... tổng cầu sụt giảm, cho thấy một năm kinh tế khó khăn. Trước tình hình không chắc chắn như vậy, Vietinbank đã luôn có sự chủ động, linh hoạt trong kinh doanh, thường xuyên liên tục kiểm tra để điều chỉnh phù hợp.
Tính đến hết quý I/2023, tổng tài sản tại Vietinbank tăng hơn 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ tín dụng tại ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng 4,6% trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 2%.
Lãnh đạo Vietinbank nhận xét, đây là sự nỗ lực rất lớn khi ngân hàng này luôn hướng tới các khoản tín dụng tăng trưởng tốt. Các nhóm khách hàng tập trung của ngân hàng gồm SME, FDI, doanh nghiệp Nhà nước lớn.
Ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT Vietinbank bổ sung, tính đến ngày 31/3/2023, dư nợ tín dụng cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tại Vietinbank tăng 4,6%. Trong đó, cho vay tăng 28.091 tỷ đồng, tăng 4,61% và trái phiếu doanh nghiệp giảm 1,43%. Tỷ trọng phân khúc tín dụng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong năm 2022 và theo hướng tập trung vào phân khúc bán lẻ.
"Nhìn chung, kết quả quý 1 của Vietinbank đều đạt và vượt so với kế hoạch. Do số liệu chưa chính thức nên chúng tôi chưa công bố, hiệu quả tăng so với trước đây. Nợ xấu cuối quý I ở mức 1,28%", ông Trần Minh Bình nhấn mạnh.
Về kế hoạch kinh doanh năm nay, Vietinbank dự kiến nâng tổng quy mô tài sản thêm 5-10% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ tín dụng được thực hiện theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Với nguồn vốn huy động, ngân hàng này này dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản, đồng thời đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng dưới 1,8%.
Đối với kế hoạch lợi nhuận và kế hoạch cổ tức năm 2023, các tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng Vietinbank không trình cổ đông con số cụ thể mà chỉ cho biết sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hoạt động bán bảo hiểm tại Vietinbank không gặp khúc mắc
Cũng trong phiên thảo luận, cổ đông ngân hàng đã hỏi về tình hình kinh doanh bancassurance (bảo hiểm) tại Vietinbank cùng những sáng kiến nào giúp ngân hàng cải thiện về bancas trước những thông tin không mấy tích cực thời gian gần đây?
Trả lời câu hỏi này Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietinbank Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, năm 2022 là năm bản lề đột phá trong lĩnh vực bancas của ngân hàng này.
Đối với mảng nhân thọ, 2022 là năm đầu tiên Vietinbank hợp tác Manulife và mảng phi nhân thọ cũng là năm đầu ngân hàng này hợp tác với PVI với sự điều chỉnh về phương thức thực hiện.
Tính đến cuối năm 2022, Vietinbank đã đứng thứ 9/25 về mảng bán chéo bảo hiểm trong số các ngân hàng. Hoa hồng đạt được từ mảng nhân thọ là 418 tỷ đồng, và phi nhân thọ là 416 tỷ đồng, đóng góp 26% thu phí hoạt động bán lẻ.
Riêng trong quý 1/2023, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, tình hình có một số khó khăn, tổng thu phí đạt được là 263 tỷ đồng, xếp hạng thứ 5/25 các ngân hàng. Trong đó mảng phi nhân thọ là 60 tỷ đồng.
Đối với năm 2023, Vietinbank đặt mục tiêu tăng trưởng khá thách thức với mảng bảo hiểm với mục tiêu doanh thu phí đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Thu phí bảo hiểm về ngân hàng đạt 809 tỷ đồng, trong đó mảng nhân thọ qua Manulife tăng 51%.
"Vietinbank xác định sản phẩm bancas là nhằm mục đích phục vụ khách hàng, do đó chúng tôi cực kỳ nghiêm khắc trong việc chuẩn mực nghiệp vụ quy trình bancas và đào tạo nhân viên bán, đồng thời thông qua bộ máy kiểm soát nội bộ để kiểm soát, đánh giá các tư vấn viên có thực hiện đúng các chuẩn mức đạo đức hay không. Từ năm 2022 tới nay, chúng tôi chưa nhận được chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào từ khách hàng, cơ quan báo chí hay cơ quan giám sát về lĩnh vực này", ông Dũng khẳng định.
Vietinbank sẽ đa dạng hoá tệp khách hàng của bancas, lâu nay là khách hàng ưu tiên nhưng năm nay chiến lược của ngân hàng sẽ đa dạng hoá không chỉ là khách hàng vay, mà còn khách hàng gửi tiền và sử dụng dịch vụ của ngân hàng; không chỉ khách hàng ưu tiên mà còn nhóm khách hàng còn lại.
Ngoài ra, Vietinbank cũng sẽ cùng với các đối tác bảo hiểm thực hiện các chương trình trao đổi gặp gỡ lắng nghe khách hàng để thiết kế từng sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng theo từng độ tuổi, loại hình, ngành nghề,...