Sau quãng thời gian gồng gánh những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang nỗ lực từng ngày để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Sau quãng thời gian gồng gánh những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang nỗ lực từng ngày để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Ngày 17/9 vừa qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) công bố mở đường bay thẳng từ Hà Nội đến “kinh đô thời trang” Milan từ ngày 1/7/2025, đánh dấu đường bay thẳng đầu tiên kết nối Việt Nam với Italy.
Ngoài đường bay này, trong nửa đầu năm 2024 Vietnam Airlines cũng liên tục thông báo mở các đường bay thẳng mới như Hà Nội - Munich (Đức); Hà Nội, TP HCM - Manila (Philippines); Hà Nội - Phnom Penh (Campuchia); khai thác trở lại đường bay Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc).
Với sứ mệnh là trụ cột của ngành hàng không quốc gia, Vietnam Airlines trước đó đã tiên phong khai phá nhiều thị trường tại Châu Âu như Hà Nội, TP HCM đến Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), London (Anh); Munich (Đức).
Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng là hãng hàng không Việt Nam duy nhất có đường bay thẳng tới Mỹ (Hà Nội - San Francisco). Theo đánh giá của lãnh đạo Vietnam Airlines tại ĐHĐCĐ năm 2024, đây là đường bay quan trọng về mặt chính trị - xã hội, được ấp ủ xây dựng sau hơn 20 năm xây dựng.
Bên cạnh những đường bay đến Châu Âu, Châu Mỹ, Vietnam Airlines cũng phủ sóng khu vực và Châu Á với các đường bay thẳng tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia,... Đáng chú ý, năm 2024 kỷ niệm 30 năm Vietnam Airlines mở đường bay đến hai thị trường gửi khách hàng đầu Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tính đến cuối năm 2023 hãng đang khai thác 56 đường bay quốc tế thường lệ đến 28 điểm đến trên 18 quốc gia. Trên mạng bay nội địa, tổng công ty đã khai thác 45 đường bay tới 21 điểm đến.
Vietnam Airlines được thành lập từ năm 1993, đánh dấu bước phát triển mới của ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Năm 2015, Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo mô hình CTCP, trong đó tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) là 86,34%.
Vietnam Airlines được thành lập từ năm 1993, đánh dấu bước phát triển mới của ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Năm 2015, Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo mô hình CTCP, trong đó tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước (Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) là 86,34%.
Đến tháng 1/2017, cổ phiếu Vietnam Airlines chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Upcom với mã chứng khoán HVN. Đến năm 2019, cổ phiếu HVN đã được chuyển sang sàn HoSE.
Ngay từ khi cổ phần hóa đến năm 2020, HVN ghi nhận tình hình kinh doanh tích cực khi liên tục thu về hàng chục nghìn tỷ đồng và báo lãi hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tổng tài sản của HVN vào thời điểm 31/12/2019 là 76.455 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với hãng hàng không lớn thứ hai thị trường lúc bấy giờ là Vietjet (43.492 tỷ đồng).
Tuy nhiên, cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ngành du lịch và hàng không gần như rơi vào trạng thái “đóng băng” đã kéo tụt đà kinh doanh của hãng. Từ năm 2020 Vietnam Airlines đã báo lỗ liên tiếp trong 4 năm sau đó khiến cổ phiếu HVN bị rơi vào diện cảnh báo và có nguy cơ hủy niêm yết.
Nặng nề nhất là vào năm 2021, doanh nghiệp này lỗ ròng 13.279 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với năm 2020, tổng doanh thu thuần đạt 27.911 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 năm. Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2021 là 524 tỷ đồng, giảm 91,4% so với cuối năm 2020 (yoy), nợ phải trả là 62.534, tăng 10,7% yoy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng nhanh lên 119,3 lần.
Vào năm 2022, sau khi ngành du lịch được mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh của hãng hàng không quốc gia dần chuyển biến theo chiều hướng tích cực khi doanh thu của hãng tăng 2,5 lần lên 70.410 tỷ đồng và giảm lỗ 2.056 tỷ đồng so với cùng kỳ ở mức 11.223 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 lại âm 11.055 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, khi hoạt động bay khôi phục đạt mức trước dịch, tình hình kinh doanh của HVN cũng có nhiều chuyển biến khi doanh thu của công ty đạt 91.540 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022 và lỗ giảm gần một nửa ở mức 5.632 tỷ đồng yoy.
Hết khó khăn này lại đến khó khăn khác, ngay khi hoạt động kinh doanh bắt đầu khởi sắc, đầu năm 2024, Vietnam Airlines phải đối mặt với các tình hình xung đột địa chính trị kéo dài trên thế giới, giá nhiên liệu, lãi suất duy trì ở mức cao; lãi suất USD cũng ở mức cao, ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ và chi phí đầu vào.
Cùng thời điểm, ngành hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt máy bay do việc triệu hồi để sửa chữa động cơ PW1100 của Pratt & Whitney trên các máy bay Airbus A321/320 NEO, trong đó Vietnam Airlines có 11 máy bay bị triệu hồi, dự kiến cuối năm sẽ dừng tiếp 6 chiếc. Ngoài ra còn một số động cơ của các hãng khác trên các máy bay Boeing cũng phải đem đi sửa chữa, việc sửa chữa các động cơ này có khả năng kéo dài dẫn đến tổng lượng máy bay cung ứng của HVN sẽ giảm khoảng 20%.
Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều bất lợi, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục cùng với đó là sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc giãn hoãn các khoản nợ và tái cấp vốn cho hãng.
Cùng với đà phục hồi của ngành du lịch và sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường khách quốc tế, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, hãng vận chuyển gần 11,5 triệu lượt khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so với cùng kỳ 2023. Tổng thị trường quốc tế 6 tháng đầu năm của hãng đạt gần 20 triệu lượt khách, tăng 42% so cùng kỳ năm 2023, phục hồi gần bằng mức trước dịch Covid-19.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 53.126 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 5.475 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 1.386 tỷ đồng.
Với kết quả này, lỗ lũy kế của HVN giảm giảm 5.246 tỷ đồng so với số đầu năm xuống còn 35.811 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 11.533 tỷ đồng.
Tổng số nợ của HVN tính đến cuối tháng 6/2024 là 69.324 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính của doanh nghiệp này ở mức hơn 23.300 tỷ đồng.
Nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu và đưa Vietnam Airlines trở lại quỹ đạo tăng trưởng, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 21/6, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu lớn là giảm lỗ, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024. Hãng cũng thông tin thêm sẽ thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS).
Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên các đường bay du lịch.
Song song đó, hãng cũng có kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn với 2 phương án, tăng vốn cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Cùng với những nỗ lực tự thân, ông Hòa cũng nhấn mạnh về các hỗ trợ của Nhà nước cho Vietnam Airlines. Ông cho biết ngoài các cơ chế chính sách hỗ trợ chung cho các hãng hàng không như giảm thuế, phí bảo vệ môi trường, phí cất hạ cánh, với vai trò chủ sở hữu Nhà nước, Vietnam Airlines đã nhận được gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ (trong đó 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn và phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ quy mô 8.000 tỷ đồng).
Năm 2024, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay của hãng bay này và lãi trước thuế hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.
Với những nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines và những hỗ trợ của Chính phủ, tình hình hoạt động của công ty xuất hiện nhiều gam màu sáng. Thời điểm khó khăn nhất của ngành hàng không cũng đã qua, hoạt động của HVN cũng bước đầu được cải thiện.