VN-Index ‘bay cao’ tiệm cận ngưỡng 1.090 điểm, HPG tím trần

HPG CHỨNG KHOÁN
15:47 - 17/01/2023
Nhóm thép bứt phá với sự dẫn dắt của HPG.
Nhóm thép bứt phá với sự dẫn dắt của HPG.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán phiên cận Tết Nguyên đán bất ngờ hưng phấn, kéo VN-Index lên gần ngưỡng 1.090 điểm. Nhóm thép tích cực nhất với sự toả sáng của “anh cả” HPG.

Kết phiên 17/1, chỉ số sàn HoSE tăng gần 22 điểm lên mốc 1.088,29 điểm. HNX-Index tăng hơn 4 điểm lên mốc 215,15 điểm, còn UPCoM tăng 0,75 điểm.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 1.700 tỷ đồng và tiếp tục mua ròng gần 800 tỷ đồng trên sàn HoSE.

HPG tiếp tục đứng đầu danh sách được khối ngoại mua ròng với giá trị hơn 165 tỷ đồng. Mã thứ hai được khối này mua ròng mạnh là STB với hơn 62 tỷ đồng. VNM và 2 mã chứng khoán đầu ngành SSI, VND cùng được mua ròng hơn 50 tỷ đồng. Ngược lại chiều bán ròng mạnh nhất cũng chỉ hơn 10 tỷ đồng, ghi nhận ở VHM và BMP.

Với mức tăng trần vươn lên giá 21.650 đồng, HPG chính là mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số, đóng góp gần 3 điểm cho chiều tăng của VN-Index. Không chỉ được khối ngoại mua ròng mạnh, cổ phiếu của Hoà Phát cũng ghi nhận giao dịch sôi động với gần 42 triệu đơn vị được giao dịch.

Nhờ sự dẫn dắt của HPG, các cổ phiếu nhóm thép đua nhau “nở” sắc xanh, tím. Tăng hết biên độ còn có HSG, NKG, TLH. POM, SMC, TLH, VGS, TVN, TNS, TIS... đều tăng mạnh. Nhóm này phản ứng tích cực bất chấp doanh nghiệp đầu tiên ra báo cáo tài chính quý 4 với kết quả tiếp tục kém sắc.

Đó là CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS). Công ty lỗ ròng 17 tỷ đồng trong quý 4/2022, tiếp nối quý lỗ nặng trước đó (hơn 25 tỷ đồng). Cả năm 2022, Gang thép Thái Nguyên lỗ ròng 10 tỷ đồng, với doanh thu thuần 11.700 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ). Kết quả ảm đạm này được đặt trong bối cảnh ngành thép đã qua thời kỳ bùng nổ và hứng chịu cảnh thừa cung, cầu giảm.

Hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index hôm nay còn đến từ hai nhóm chủ chốt là ngân hàng và chứng khoán. Nhóm chứng khoán tăng 5,1% vốn hoá. Các mã đầu ngành như SSI, VND, VCI, HCM, VIX... tăng mạnh 4-6%. Cá biệt có PHS tăng 13,5%. Ngoài IVS đứng tham chiếu thì tất cả các mã khác đều đóng cửa ở chiều tăng với tỷ lệ chênh lệch đáng kể.

Tại nhóm ngân hàng không có mã nào giảm giá, 4 mã đứng tham chiếu là EIB, KLB PGB và SSB. Các mã đóng góp chính giúp vốn hoá toàn nhóm tăng hơn 2% là VCB +2,4%, VIB +2,7%, TPB +4,5%, TCB +3,2%, STB +4,1%, MBB +4,9%, CTG +2%...

Nhóm bất động sản tuy không “bay cao” như thép, ngân hàng, chứng khoán nhưng cũng ghi nhận giao dịch tích cực, vốn hoá tăng 1,7% giá trị vốn hoá. Bộ ba nhà Vingroup cùng kết phiên trong sắc xanh nhưng chỉ có VRE tăng mạnh hơn 4%, còn VHM tăng 1,4%, VIC tăng 0,7%. BCM, NVL, KBC, KDH, NLG, PDR, DIG, DXG, HUT, CEO... đều tăng giá nhưng không có mã nào tăng trần.

Các nhóm tăng mạnh còn có dầu khí, hoá chất, bán lẻ... và không có nhóm nào ở chiều giảm.

Nhìn chung trong phiên giao dịch ngày 17/01/2023, VN-Index hình thành mẫu hình nến Rising Window cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư. Chỉ báo MACD tiếp tục tăng trưởng sau khi cho tín hiệu mua vào đầu tháng 01/2023. Điều này càng ủng hộ cho đà tăng trưởng ngắn hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp