VN-Index giảm sâu về ngưỡng thấp nhất trong 10 tháng qua

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
15:21 - 12/05/2022
Nhóm tài chính và bảo hiểm giảm mạnh. Vietstock
Nhóm tài chính và bảo hiểm giảm mạnh. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Sau hai phiên hồi phục, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào một phiên đỏ lửa khi lực bán áp đảo từ khi mở cửa. Có 221 mã giảm hết biên độ, VN-Index mất 62 điểm, độ rơi còn sâu hơn phiên "thứ Hai đen tối" hồi đầu tuần.

Với số điểm mất sâu như vậy, chỉ số sàn HoSE lại lùi về ngưỡng 1.238.84 điểm, thấp nhất trong 10 tháng qua (kể từ tháng 7/2021). HNX-Index cũng rơi sâu 17,5 điểm còn UPCoM giảm 2,4 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện hơn hôm qua, nhưng vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt 17.962 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Họ tiếp tục một phiên bán ròng nhẹ với số tiền rút khỏi sàn HoSE ở mức 106 tỷ đồng.

VN30 giảm tới 70 điểm, lui về mốc 1.279.76 với màu đỏ bao phủ nhiều bluechip như BVH, BID, GVR, MSN, TCB, VRE, VPB, PLX… Chỉ còn SAB giữ được sắc xanh với tỷ lệ +0,9%, còn lại đều ở chiều giảm mạnh, nhiều mã âm 5-6%. Ngay cả Vinhomes hôm nay đại hội cổ đông với nhiều thông tin tốt như mở bán 4 dự án mới, tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội, trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%... cũng không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Mã VHM kết phiên với tỷ lệ -2,3%.

Giao dịch của khối ngoại trên sàn HoSE.

Giao dịch của khối ngoại trên sàn HoSE.

Xét về nhóm ngành thì không còn nhóm nào giữ được sắc xanh khi kết phiên. Giảm ít là các nhóm nhỏ như tiện ích, vận tải – kho bãi, chăm sóc sắc khoẻ. Còn các nhóm trụ cột đều rớt mạnh khiến vốn hoá của từng nhóm bốc hơi 4-6%.

Tại nhóm ngân hàng, EIB tiếp tục gây ngạc nhiên khi trở thành mã duy nhất giữ được sắc xanh với tỷ lệ +0,5%; trong bối cảnh các mã anh em đều nằm sàn hoặc giảm sâu. Hôm qua, cổ phiếu Eximbank cũng là mã ngân hàng duy nhất tăng trần.

Nhóm chứng khoán vẫn có DSC tăng trần, EVS tăng 2,3%, TIN +1%. Còn lại la liệt các mã nằm sàn như AGR, APG, BSI, BVS, CTS, FIT, HAC, HBS, PSI… Các mã giảm cũng rớt mạnh thị giá.

Còn tại nhóm đông quân số nhất là xây dựng và bất động sản thì có 2 mã tăng trần, 32 mã tăng giá, chủ yếu là các mã nhỏ. Trong khi đó có tới 67 mã giảm sàn, 112 mã giảm giá, đa phần là các mã lớn. Ngoài VRE thì BCM, DXG, DIG, VCG, BCG, HDG, TCH, FLC… cũng giảm hết biên độ. Các mã REE, PDR, THD, KBC, NLG… giảm sâu.

Như vậy chỉ trong vòng một tuần, VN-Index đã có 2 phiên giảm điểm mạnh. Trước đó trong tháng Tư, cụ thể là ngày 25/4 chỉ số cũng rớt hơn 68 điểm. Xem thêm các chỉ số lớn trên sàn châu Á, có thể nhận ra rằng các chỉ số này cũng hầu hết đều giảm, thậm chí giảm mạnh hơn so với phiên ban sáng, nhưng giảm đến 4,8% thì chỉ có ở VN-Index.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng, P/E thị trường đang về vùng thấp, nhiều cổ phiếu thuộc doanh nghiệp hàng đầu đang có P/E 7-8 lần, là điều kiện tuyệt vời để các nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, diễn biến thị trường cho thấy, nỗi sợ vẫn lấn át lòng tham khi nhà đầu tư chọn cách ngồi ngoài quan sát khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, VN-Index liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.