VRB hiện nay vẫn hiện đầy đủ chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp thanh toán. Ảnh: VRB. |
VRB hỗ trợ các doanh nghiệp thanh toán nội tệ an toàn
Chia sẻ tại Hội thảo xuất nhập khẩu Việt Nam – Liên bang Nga, chiều ngày 15/3, ông Sergey Ivanov, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt – Nga (VRB) cho biết, ngân hàng này hiện vẫn đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ chức năng chuyển tiền cũng như các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo ông Sergey Ivanov, 2 tuần vừa qua đã xảy ra nhiều biến động khó lường, các doanh nghiệp 2 nước hiện nay rất quan tâm đến việc chuyển đổi thanh toán bằng đồng nội tệ là Rup và VNĐ. Tỷ giá giữa 2 đồng này ra sao sẽ phụ thuộc vào tính chất và số lượng giao dịch cụ thể.
“Liên quan đến vấn đề giao dịch thanh toán 2 chiều, VRB sẽ đưa ra phương án hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thanh toán an toàn”.
VRB sẽ xem xét vào sự cân bằng chuyển đổi giữa 2 bên để có thể thực hiện chuyển tiền. Doanh nghiệp 2 nước cần tìm ra một nền tảng để trao đổi và chia sẻ giải quyết những thông tin vướng mắc giữa 2 bên.
Theo đại diện VRB, dịch vụ thanh toán song phương Việt - Nga của VRB với hệ thống do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) chủ trì, kết nối thanh toán trực tiếp đến tất cả các ngân hàng trong và ngoài lãnh thổ Nga có tham gia vào hệ thống thanh toán song phương này. Đây hầu hết là những ngân hàng lớn trên lãnh thổ Nga như VTB, Sberbank...
Việc thanh toán quy đổi ra đồng USD hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó, VRB vẫn tiếp tục hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp 2 nước bằng đồng nội tệ tức là tiền Vnđ và tiền Rup. Vấn đề cần quan tâm là điều chỉnh tỷ giá như thế nào cho hợp lý.
Ông Sergey Ivanov cho rằng, cần tạo ra nền tảng giải quyết các vấn đề kỹ thuật trên các sàn giao dịch ngoại tệ. Hiện nay hạn chế của các sàn này là giới hạn người nước ngoài tham gia do đó, cần có cơ sở kỹ thuật, pháp lý để nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào các sàn giao dịch.
Mặt khác, Phó Tổng giám đốc VRB nhìn nhận, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều vào số hợp đồng ký kết giữa hai bên doanh nghiệp để căn chỉnh tạo ra được một tỷ giá hợp lý.
Ngoài ra, ông Sergey Ivanov cũng lưu ý các doanh nghiệp hai nước về vấn đề VRB chưa hỗ trợ thanh toán bằng tiền điện tử.
Doanh nghiệp hai nước cần tăng cường trao đổi tháo gỡ khó khăn
Cùng tham gia phát biểu tại hội thảo, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga đánh giá, trong thời gian qua, mối quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Nga không ngừng phát triển.
Năm 2021 dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng thặng dư thương mại hai nước vẫn đạt khoảng 7,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2020. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở khu vực Asean và là đối tác lớn thứ 5 của Nga ở khu vực châu Á.
“Trong bối cảnh lệnh cấm vận mới, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề thanh toán chi trả, chuyển đổi ngoại tệ và logistics. Doanh nghiệp hai nước cần tích cực tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, để tháo gỡ những khó khăn”.
Nhận định Việt Nam là đối tác thương mại nông sản quan trọng của Nga, bà Victoria Gorshkova, Đại diện Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết,trong thời gian qua, Nga là nước đứng đầu xuất khẩu thịt lợn đông lạnh sang Việt Nam.
Các mặt hàng dầu hướng dương, bột mì, kẹo bánh Nga cũng có dấu hiệu tăng trưởng và triển vọng lớn trong thời gian tới. Trong khi đó, Việt Nam cũng tích cực xuất khẩu thủy sản, chè, cà phê sang thị trường này.
Đồng tình với nhận định của Tham tán Dương Hoàng Minh, bà Victoria Gorshkova cho rằng, thời gian qua đã có nhiều vấn đề phức tạp trên thế giới, bên cạnh những yếu tố tích cực thì mối quan hệ thương mại hai nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà doanh nghiệp hai bên cần đối mặt như logistics, vận tải, thanh toán.
Đồng thời, bà Victoria Gorshkova cũng thể hiện rõ thiện chí sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu các nông sản Việt Nam sang thị trường Nga.
Là một ngành nhập khẩu một phần nguyên liệu từ Nga, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2021 Việt Nam nhập khẩu từ Nga 55 triệu USD các sản phẩm nguyên liệu gỗ chủ yếu là từ gỗ xẻ Bạch Dương, các loại ván công nghiệp, gỗ lạng veneer để chế biến các sản phẩm xuất khẩu.
“Tuy gỗ nhập khẩu từ Nga không lớn nhưng đây là nguồn nguyên liệu khá quan trọng đối với doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của khách hàng”, ông Hoài nhìn nhận.
Nga hiện đang cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ rất lớn để nuôi sống ngành công nghiệp chế biến gỗ của thế giới với trên 10% tổng nguyên liệu gỗ cho ngành gỗ toàn cầu. Bên cạnh đó, những sản phẩm gỗ Việt Nam sản xuất xuất khẩu sang thị trường Nga cũng được khách hàng ưa chuộng về thị hiếu, kiểu dáng và giá cả.
Do vậy, tuy có nhiều trở ngại trong giao thương nhưng đại diện ngành gỗ Việt Nam khẳng định sẽ tăng cường trao đổi giữa doanh nghiệp hai bên để tháo gỡ, vượt qua khó khăn, duy trì quan hệ thương mại.
Về đầu tư theo lũy kế tính đến cuối tháng 2/2022, Nga đang xếp số 24/140 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam với hơn 151 dự án, tổng số vốn đăng ký là 953,75 triệu USD.
Về thương mại tính đến nửa tháng 2/2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với thị trường Nga giảm 30% đạt 21,41 tỷ USD.