World Bank: Kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể rơi vào suy thoái

KINH TẾ THẾ GIỚI
08:33 - 11/01/2023
Tình hình kinh tế năm 2023 tương đối mong manh và bất kỳ diễn biến bất lợi nào cũng có thể gây ra suy thoái theo World Bank. Ảnh: Reuters
Tình hình kinh tế năm 2023 tương đối mong manh và bất kỳ diễn biến bất lợi nào cũng có thể gây ra suy thoái theo World Bank. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong dự báo kinh tế mới nhất ngày 10/1, Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nhiều quốc gia xuống mức sát suy thoái do tác động của lãi suất tăng, chiến sự Nga - Ukraine và suy giảm kinh tế ở các quốc gia lớn.

Reuters trích dẫn Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng GDP toàn cầu được dự kiến sẽ rơi vào mức 1,7% trong năm 2023 - tốc độ chậm nhất ghi nhận được kể từ năm 1993 trừ những năm suy thoái nghiêm trọng 2009 và 2020.

Con số này được điều chỉnh giảm đáng kể so với trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu trước đó hồi tháng 6/2022. Tại thời điểm đó, WB đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 ở mức 3,0%.

Ngoài ra, dự báo tăng trưởng toàn cầu mới nhất cho năm 2024 cũng được điều chỉnh giảm nhẹ từ mức 2,9% trong báo cáo năm 2022 xuống mức 2,7% của hiện tại. Trong bối cảnh đó, mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2020-2024 sẽ dưới 2% - tốc độ 5 năm chậm nhất kể từ năm 1960.

Trong một tuyên bố kèm theo báo cáo, WB nhận định với các điều kiện kinh tế mong manh như hiện tại, bất kỳ diễn biến bất lợi nào cũng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Các diễn biến này có thể là lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất tăng đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang.

Đầu tiên sự suy giảm lớn tại các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm việc cắt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và khu vực đồng Euro xuống 0,5% báo hiệu một cuộc suy thoái toàn cầu mới trong chưa đầy 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 tạo nên một cuộc suy thoái.

Đối với Trung Quốc, báo cáo của tổ chức này dự đoán tốc độ tăng trưởng của nước này năm 2022 sẽ giảm xuống còn 2,7% - tốc độ chậm thứ 2 kể từ giữa những năm 1970 sau năm 2020. Nguyên nhân cho kết quả này tới từ các hạn chế về COVID-19, bất ổn trong thị trường bất động sản và hạn hán ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Trong năm 2023, WB dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi lên 4,3% nhưng thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2022, do mức độ nghiêm trọng của sự gián đoạn do COVID và nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Thêm vào đó, WB nhận định các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi sẽ là những bên chịu khó khăn lớn từ triển vọng ảm đạm trên. Các quốc gia này sẽ phải vật lộn với gánh nặng nợ nần chồng chất, đồng tiền yếu và tăng trưởng thu nhập chậm lại. Tăng trưởng đầu tư kinh doanh hàng năm cũng chậm lại đáng kể khi được dự báo ở mức 3,5% trong năm 2023 so với năm 2022 - chưa bằng một nửa tốc độ của 2 thập kỷ qua.

Một khi tốc độ tăng trưởng và đầu tư kinh doanh suy giảm, chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết giáo dục, y tế, tỷ lệ nghèo đói và cơ sở hạ tầng cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo trong khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, viễn cảnh u ám này cũng có một số điểm sáng nhất định. Tổ chức này dự đoán một số áp lực lạm phát có dấu hiệu giảm bớt khi năm 2022 kết thúc và giá hàng hóa cùng năng lượng đã thấp hơn. Tuy nhiên, rủi ro gián đoạn nguồn cung mới vẫn còn ở mức cao trong khi lạm phát cơ bản vẫn đang tăng. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách tăng lãi suất chính sách nhiều hơn dự kiến hiện tại, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới kêu gọi tăng cường hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để giúp các nước có thu nhập thấp đối phó với các cú sốc lương thực và năng lượng, di dân do xung đột và nguy cơ khủng hoảng nợ ngày càng tăng. Các khoản tài trợ và ưu đãi mới cùng với việc tận dụng vốn tư nhân và các nguồn lực trong nước để giúp thúc đẩy đầu tư vào thích ứng với khí hậu, nguồn nhân lực và sức khỏe cần trở thành một trọng tâm chính sách.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.