Global Times dẫn lời người phát ngôn của Xiaomi cho biết: “Chi phí giao hàng ở các thị trường Đông Nam Á đã tăng lên do đại dịch Covid-19, đồng thời chi phí hậu cần cũng tăng trong những năm gần đây. Để giải quyết những vấn đề này, Xiaomi đã hợp tác với các đối tác của mình để thực hiện nội địa hóa sản xuất".
Theo đó, các thiết bị cầm tay Xiaomi được sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối trong nước cũng như đến các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Malaysia và Thái Lan. Hiện tại, Xiaomi đang hợp tác với công ty sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc là DBG Technology. Công ty này đang điều hành một nhà máy rộng 200.000 m2 tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam.
DBG Technology thiết lập cơ sở sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi tại Việt Nam. |
Trước đây, Xiaomi chỉ sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, những hạn chế do đại dịch Covid-19 không chỉ làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng của Xiaomi khiến hãng này phải đa dạng hóa các địa điểm sản xuất.
Ông Ma Jihua, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu cho rằng, việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam hoặc các thị trường Đông Nam Á khác có thể cải thiện cả chi phí và hiệu quả phân phối của nhà sản xuất thiết bị cầm tay Trung Quốc.
"ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Vậy nên hợp tác công nghiệp ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là xu hướng dài hạn cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả điện thoại thông minh", ông Ma nói.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp Trung Quốc vốn sử dụng nhiều lao động khác cũng đã bắt đầu chuyển đến Việt Nam và các nước ASEAN như các nhà sản xuất giày dép, quần áo và đồ nội thất.
Một số nhà sản xuất sản phẩm điện tử cũng nhận thấy xu hướng này trong những năm gần đây, bao gồm nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc TCL và nhà sản xuất màn hình hiển thị BOE. Một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc là Trina Solar, cũng đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam vào đầu năm 2017.
Ông Ma cho biết, việc di dời một số nhà sản xuất ra khỏi Trung Quốc là quyết định có lợi vì các chuỗi công nghiệp đang dịch chuyển xuống hạ nguồn ở Đông Nam Á - khu vực có chi phí nhân công rẻ. Vị chuyên gia này nhận định điều này không chỉ phù hợp với mục tiêu nâng cấp ngành công nghiệp của Trung Quốc, mà còn có thể giúp các công ty của nước này phát triển trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Ma cũng chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, địa điểm đặt nhà máy và các khía cạnh khác, nhưng năng lực đảm nhận sản xuất từ Trung Quốc còn hạn chế do phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp một số thiết bị và linh kiện cốt lõi.
Trong khi đó, vào tháng 2 năm nay, hãng Samsung đã đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam để hỗ trợ sản xuất bảng mạch và mô-đun camera của công ty. Công ty Hàn Quốc này đang có hai nhà máy ở miền bắc Việt Nam với khoảng 100.000 lao động trong nước và sản xuất khoảng một nửa sản lượng điện thoại thông minh đầu ra.