Mekong ASEAN ghi nhận tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, hiện lượng lớn giỏ quà, hộp bánh kẹo Tết…được trưng bày với thiết kế đa dạng và giá cả linh hoạt, chủ yếu là tầm trung.
Những giỏ quà thuộc phân khúc 500.000-800.000 đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như hạt điều, trà, cà phê, bánh kẹo, đang chiếm ưu thế lớn. Đây được xem là lựa chọn được nhiều người ưa chuộng bởi tính thực tế và phù hợp với ngân sách của nhiều hộ gia đình.
Giỏ quà Tết phân khúc giá tầm trung chiếm ưu thế tại các gian hàng trưng bày tại trung tâm thương mại. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Khởi động mùa Tết từ sớm, hệ thống siêu thị AEON giới thiệu hàng trăm sản phẩm giỏ quà Tết 2025 từ cuối tháng 11/2024 với mức giá từ 599.000 đồng đến 2,8 triệu đồng/giỏ, trong đó phần lớn dưới 1 triệu đồng.
Tại hệ thống siêu thị WinMart, các giỏ quà có giá từ 600.000-800.000 đồng/giỏ không chỉ đa dạng về mẫu mã mà còn được thiết kế nhấn mạnh sự tiện dụng, phù hợp với nhu cầu của các gia đình. Trong mỗi giỏ quà là những sản phẩm hàng Việt đặc trưng như hạt điều, cà phê, trà ô long hay bánh kẹo truyền thống... đảm bảo chất lượng và phù hợp với thu nhập trung bình của nhiều gia đình.
Các hộp quà tặng, giỏ quà Tết năm nay tại hệ thống siêu thị WinMart đa dạng mẫu mã và giá cả, nhiều nhất là dòng quà có giá từ 600.000-800.000 đồng/giỏ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
"Hiện nay, phần lớn khách hàng lựa chọn giỏ quà ở phân khúc giá bình dân, vừa túi tiền nhưng vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản," chị Hiền Mai, nhân viên bán hàng tại WinMart chia sẻ.
Đồng thời, để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, các hệ thống bán lẻ còn triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu trong dịp cuối năm như giảm giá trực tiếp, mua 1 tặng 1 hay ưu đãi độc quyền cho hội viên…
Không chỉ tập trung vào giỏ quà, các hệ thống bán lẻ lớn còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu dịp mua sắm cuối năm. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Không chỉ hệ thống bán lẻ, siêu thị, nhiều tiểu thương tập trung đẩy mạnh các mẫu giỏ quà Tết phân khúc tầm trung để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Thùy Anh, chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo trên phố Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm nay chị chỉ nhập các mẫu giỏ quà Tết có giá bình dân với các sản phẩm từ Việt Nam.
Giỏ quà Tết được nhiều cá nhân lựa chọn làm hình thức kinh doanh mới trong dịp lễ Tết để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt là những giỏ quà giá bình dân đang chiếm ưu thế, nhắm đến nhóm khách hàng có nhu cầu tiết kiệm nhưng vẫn muốn đảm bảo một cái Tết đầy đủ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
"Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2025 nhưng mấy ngày gần đây, lượng khách hỏi đặt mua giỏ quà Tết bắt đầu nhiều. Hiện cửa hàng đã có hơn 40 đơn đặt giỏ quà Tết rồi. Phần lớn là những giỏ quà Tết giá tầm trung, khoảng 300.000-500.000 đồng/giỏ. Có thể là do năm nay mọi thứ vẫn còn nhiều biến động, người tiêu dùng cũng vì thế mà thắt chặt chi tiêu hơn,” chị Thùy Anh nói.
Sự chuyển hướng này không chỉ xuất phát từ chiến lược kinh doanh của các nhà bán lẻ mà còn nhằm thích nghi với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Chị Hoài (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tổng chi tiêu Tết năm nay của gia đình chị dự kiến chỉ khoảng 5 triệu đồng, trong đó 2 triệu đồng dành cho quà biếu và 3 triệu đồng dành cho thực phẩm và bánh kẹo. “Tôi ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo có một cái Tết đủ đầy và ấm cúng,” chị Hoài nói.
Trao đổi với Mekong ASEAN về xu hướng tiêu dùng trên, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định rằng xu hướng tập trung vào sản phẩm thiết yếu và bình dân không chỉ phản ánh tâm lý thận trọng trước áp lực kinh tế, mà còn đánh dấu sự chuyển đổi từ tiêu dùng nhanh sang tiêu dùng bền vững.
"Người tiêu dùng hiện nay không chỉ tìm kiếm giá rẻ, mà còn quan tâm đến giá trị thực tế và chất lượng của sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm không chỉ hợp túi tiền mà còn xứng đáng với số tiền khách hàng bỏ ra," ông nói.
Ngoài việc đưa ra sản phẩm bình dân, theo ông Lạng, các doanh nghiệp bán lẻ đang phát triển kênh phân phối đa dạng, linh hoạt từ trực tiếp tại cửa hàng đến trực tuyến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm trong mọi hoàn cảnh. Chiến lược này giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng trong một thị trường ngày càng cạnh tranh.