Theo Insider, Xiaomi đã làm những gì Apple không thể, sau khi công bố kế hoạch bán mẫu xe điện Speed Ultra 7 từ ngày 28/3 tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời, hãng đặt ra mục tiêu là trở thành một trong 5 công ty sản xuất ô tô hàng đầu thế giới trong 15-20 năm tới.
Speed Ultra 7 không chỉ thu hút sự chú ý bởi vẻ ngoại thất ấn tượng, mà còn nằm ở hiệu suất. Với động cơ kép mạnh mẽ, xe có thể đạt tốc độ 100 km/h chỉ trong 2,78 giây, nhanh hơn so với con số 2,93 giây của Porsche Taycan Turbo. Tốc độ tối đa 265 km/h đặt Speed Ultra 7 ở một vị thế lợi thế so với các đối thủ.
Tháng 12/2023, Xiaomi trình làng chiếc ô tô điện đầu tiên - Speed Ultra 7 (SU7). |
Xe sử dụng pin Qilin của CATL với công suất 101 kWh, có khả năng sạc nhanh chóng. Trong buổi ra mắt, Xiaomi tuyên bố rằng Speed Ultra 7 có thể đạt phạm vi hoạt động 220 km sau 5 phút sạc và 510 km sau 15 phút sạc. Điều này đặt nó ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng và tiện ích.
Ông Lei Jun, đồng sáng lập kiêm CEO của Xiaomi cho biết: "Màn ra mắt đánh dấu một kỳ tích phi thường. Mẫu xe điện Speed Ultra 7 ra mắt chỉ sau 3 năm kể từ khi công ty tuyên bố đặt chân vào lĩnh vực sản xuất xe điện".
Mặc dù Speed Ultra 7 thuộc phân khúc xe điện phổ thông, nhưng ông Lei vẫn so sánh nó với các mẫu xe hạng sang như Porsche Taycan Turbo và Tesla Model S. Giới chuyên gia trong ngành nhận định rằng, Xiaomi dường như đang thể hiện tham vọng lớn và quyết tâm đối với mục tiêu cao cả của mình.
Với mẫu xe này, Xiaomi không chỉ đang mở rộng động cơ kinh doanh của mình mà còn chứng minh rằng họ có thể đánh bại những đối thủ lớn trong lĩnh vực ô tô. Sự đầu tư lớn và đổi mới trong năng lượng và sản xuất xe đưa Xiaomi vào cuộc đua ô tô điện toàn cầu.
Giống như Apple, từ trước đến nay, Xiaomi được biết đến nhiều nhất là nhà sản xuất smartphone. Dữ liệu từ hãng nghiên cứu Counterpoint cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2024, Xiaomi chiếm 13,8% thị phần điện thoại thông minh tại Trung Quốc, chỉ sau 15,7% của Apple.
Apple bắt đầu chen chân vào thị trường xe điện từ năm 2014 khi có kế hoạch phát triển mẫu xe điện hiện đại mang tên Titan, với mong muốn có thể tự hành hóa loại phương tiện này, đáp ứng xu hướng mới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, giấc mơ xe điện của Apple dường như phải gác lại khi mà công ty phải đối mặt loạt thất bại. Năm 2019, Apple sa thải hàng loạt nhân viên chuyên ngành ô tô. Sau đó, thương vụ hợp tác với hãng xe Hyundai tiếp tục đổ vỡ vào năm 2021.
Tháng 12/2022, Apple thông báo hãng sẽ dời lịch ra mắt mẫu xe điện cho đến năm 2026, chậm 1 năm so với dự kiến. Đồng thời, Apple cũng phải từ bỏ kế hoạch chế tạo loại ô tô có thể tự động hoàn toàn như dự tính ban đầu.
Trong thông báo nội bộ gửi tới 2.000 nhân viên làm trong bộ phận phát triển xe điện ngày 27/2, các giám đốc điều hành của Apple là ông Jeff Williams và Kevin Lynch cho biết, công ty chính thức hủy bỏ dự án ô tô điện Project Titan để tập trung cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Theo Bloomberg, trước khi dự án ô tô điện kết thúc, các giám đốc Apple cũng bày tỏ lo ngại về tỷ suất lợi nhuận của ô tô. Công ty đã chi hàng trăm triệu USD mỗi năm cho dự án trong khi giá bán ra chỉ dừng lại ở mức 100.000 USD mỗi xe.
Hơn nữa, việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát đã làm suy giảm tâm lý của người tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu với những phương tiện xe điện đắt đỏ giảm đáng kể. Điều này tạo ra một xu hướng cắt giảm việc làm và sản lượng xe ra thị trường.
Trong khi đó, Xiaomi đang cố gắng tận dụng cơ sở công nghiệp xe điện hiện có ở Trung Quốc. Công ty được hưởng lợi từ quan hệ đối tác với Tập đoàn ô tô Bắc Kinh (BAIC Group) , cho phép họ nhanh chóng tiếp cận giấy phép sản xuất. Sự hợp tác này có thể giúp Xiaomi sản xuất khoảng 200.000 chiếc EV mỗi năm.
Hiện tại, Xiaomi vẫn chưa công bố giá bán chính thức của Speed Ultra 7. Theo Insider, nhiều khả năng hãng đang tìm cách nhắm mục tiêu vào thị trường cao cấp. Đây có thể là một thách thức của hãng tại Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất EV đối mặt với nhu cầu chậm lại. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, Xiaomi đã xoay sở để thực hiện điều mà Apple mơ ước suốt 10 năm.