Một góc nhà máy thủy điện Khao Mang Thượng. Ảnh: Xuân Thiện Group |
Theo Công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 11/4 của CTCP Xuân Thiện Yên Bái, ông Nguyễn Ngọc Thanh (SN 1979) được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, thay thế cho ông Mai Xuân Hương. Đây là lần đầu tiên Xuân Thiện Yên Bái thay đổi vị trí tổng giám đốc kể từ năm 2016.
Sinh năm 1978, ông Mai Xuân Hương là một trong những lãnh đạo quan trọng trong hệ sinh thái Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group) và đang đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác nhau như Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk, Công ty TNHH Xuân Thiện Sơn La, CTCP Năng lượng Cư Kuin, CTCP Ea Súp 1…
Trong khi đó, tân Tổng giám đốc Xuân Thiện Yên Bái Nguyễn Ngọc Thanh đang là Giám đốc của CTCP Thủy điện Văn Chấn - chủ sở hữu nhà máy thủy điện cùng tên có công suất 57MW tại Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Công ty này là một thành viên trong mảng năng lượng của Tập đoàn Bitexco.
CTCP Xuân Thiện Yên Bái được thành lập vào năm 2011, là chủ đầu tư của nhiều nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái của Tập đoàn Xuân Thiện, trong đó có Nhà máy Thủy điện Khao Mang (30 MW), Nhà máy Thủy điện Khao Mang Thượng (24,5 MW) và Nhà máy Thủy điện Thác Cá 1 (27 MW).
Trong nhiều năm, ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu xấp xỉ 99% vốn điều lệ của Xuân Thiện Yên Bái. Tới tháng 11/2021, ông Thiện nhượng lại phần vốn góp 1.060 tỷ đồng, tương đương 37,9% vốn điều lệ công ty này cho Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, trong khi vẫn sở hữu 1.712 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 61,1%.
Vào tháng 12/2021, CTCP Tư vấn Đầu tư DTH Quốc Tế - một pháp nhân khác trong hệ sinh thái Xuân Thiện trở thành cổ đông lớn nhất của Xuân Thiện Yên Bái, sở hữu 2.000 tỷ đồng vốn góp, tương đương 71,428% vốn điều lệ công ty. Sở hữu của ông Nguyễn Văn Thiện giảm về còn 28,286%.
Sau hơn một năm không có thay đổi ở cơ cấu sở hữu, vào tháng 5/2023, ông Thiện thoái toàn bộ vốn tại Xuân Thiện Yên Bái cho ông Nguyễn Đức Toàn – Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp Khang An, pháp nhân do Xuân Thiện Ninh Bình góp vốn sáng lập.
Vào ngày 21/3/2024, Xuân Thiện Yên Bái giảm vốn điều lệ từ 2.800 tỷ đồng về còn 828,2 tỷ đồng. Dữ liệu của Mekong ASEAN tìm hiểu được cho thấy, cơ cấu sở hữu của công ty này có nhiều thay đổi sau khi hạ vốn điều lệ.
Tính đến ngày 15/4/2024, một thành viên của Tập đoàn Bitexco đã sở hữu ít nhất 67,8 triệu cổ phần phổ thông của Xuân Thiện Yên Bái, tương đương phần vốn góp 678 tỷ đồng. Số cổ phần này sau đó được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) chi nhánh Tràng Tiền.
Tới ngày 17/4/2024, Xuân Thiện Yên Bái tăng vốn từ 828,2 tỷ đồng lên 1.084 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2023, Xuân Thiện Yên Bái báo lỗ sau thuế 26 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 160 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Vào tháng 5/2023, công ty đã tất toán toàn bộ 494 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã XTYENBAI-BOND2017.