Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng trưởng tốt do khan hiếm nguồn cung

XUẤT KHẨU cà phê
09:14 - 18/09/2022
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng trưởng tốt do khan hiếm nguồn cung
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng trưởng tốt với mức 2 con số tại hầu hết các thị trường chính như Đức, Italy, Mỹ, Nhật Bản... nhờ tận dụng cơ hội nguồn cung thế giới thiếu hụt. Đặc biệt, thị trường Bỉ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3 con số.

3 tháng liên tiếp tăng giá cà phê xuất khẩu bình quân

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 112,53 nghìn tấn, trị giá 266,14 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá so với tháng 7/2022, so với tháng 8/2021 giảm 4,0% về lượng, nhưng tăng 12,8% về trị giá.

Bình quân, giá xuất khẩu cà phê tháng 8 của Việt Nam đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp, tăng 2,9% so với tháng trước, lên 2.365 USD/tấn, đồng thời tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng này, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Ý, Nga, Tây Ban Nha, Philippines.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,25 triệu tấn, trị giá 2,83 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.271 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Đức tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với tổng khối lượng xuất khẩu trong 8 tháng đạt 160.684 tấn, giảm nhẹ 0,3% về lượng, nhưng kim ngạch đạt 341,3 triệu USD, tăng 20.9% về trị giá.

Kế đến là thị trường Bỉ với mức tăng trưởng ấn tượng, đạt khối lượng 100.431 tấn và kim ngạch 213,2 triệu USD, tăng mạnh 161,1% về lượng và 220,5 về trị giá. Đây là thị trường có mức xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2022.

Bên cạnh đó, ngoại trừ thị trường Algeria (với lượng xuất khẩu đạt 29.269 tấn tương đương 58,7 triệu USD) có sự sụt giảm đáng kể về lượng (-19,4%), kéo theo sự suy giảm về trị giá (-3,2%), các thị trường còn lại, dù ghi nhận mức giảm nhẹ về lượng như trừ Đức (-0,3%), Mỹ (-3%), Nhật Bản (-1,3%), nhưng nhờ mức giá xuất khẩu bình quân cao hơn hẳn so với năm trước, nên hầu hết kim ngạch xuất khẩu cà phê sang các thị trường chính của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, hầu như đều ở mức hai con số.

Yếu tố thời tiết ảnh hưởng xấu đến nguồn cung cà phê trên thế giới

Những ngày đầu tháng 9/2022, thị trường cà phê toàn cầu đón nhận thông tin không mấy tích cực. Lạm phát tăng cao, mối lo ngại về suy thoái kinh tế tại khu vực Eurozone và áp lực bán hàng vụ mới của Brazil khiến giá cà phê thế giới giảm trở lại.

Thông tin Bộ Công Thương trích dẫn từ Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), sản lượng cà phê năm 2022 của nước này ước đạt 53,7 triệu bao loại 60 kg, tăng 0,9% so với dự báo trước đó và tăng 9,6% so với năm 2021, do dự báo sản lượng cà phê Conilon Robusta cao hơn.

Tuy nhiên, Ngân hàng đầu tư Rabobank đã điều chỉnh dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 giảm 1,92% xuống mức 169 triệu bao và vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,30 triệu bao. Do đó, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 1,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Các nguồn cung cà phê khác cho thế giới như Columbia, Honduras, Costa Rica… cũng đang sụt giảm sản lượng do yếu tố thời tiết.

Diễn biến giá xuất khẩu bình quân các tháng giai đoạn 2020 - 2022 của Việt Nam. Đơn vị: Tấn. Nguồn: Bộ Công Thương
Diễn biến giá xuất khẩu bình quân các tháng giai đoạn 2020 - 2022 của Việt Nam. Đơn vị: Tấn. Nguồn: Bộ Công Thương

Trong nước, giá cà phê giảm phiên thứ 6 liên tiếp

Những ngày đầu tháng 9/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm theo giá thế giới. Theo mức giá ghi nhận ngày 18/9, giá cà phê Robusta đạt 46.900 - 47.500 đồng/kg, đi ngang so với hôm trước, sau 6 phiên giá giảm liên tiếp, giá cà phê đã có dấu hiệu chững lại. Dù vậy, giá cà phê nội địa đã giảm 900 đồng/kg trong tuần qua.

Trong đó, giá thu mua thấp nhất là tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) với mức 46.900 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 47.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 47.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tương tự tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ngày 17/9 ở mức 47.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 47.300 đồng/kg.

Còn tại Đắk Lắk, giá cà phê dao động trong mức 47.400 - 47.500 đồng/kg, cao nhất trong ngày, phân biệt tại huyện Cư M'gar (47.500 đồng/kg), huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (đều là 47.400 đồng/kg).

Tin liên quan

Đọc tiếp