Theo Mekong ASEAN tính toán từ số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 32,8 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu hàng hóa ra thế giới 1 tỷ USD.
Về xuất khẩu, nửa đầu tháng 8/2024 (1/8 – 15/8), Việt Nam xuất khẩu hàng hóa mang về 16,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Bốn mặt hàng xuất khẩu lớn nhất tiếp tục là nhóm điện tử và dệt may. Trong đó, ngoại trừ điện thoại và linh kiện, các mặt hàng còn lại đều ghi nhận đà tăng. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,1% YoY, lên mức 3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cũng tăng 33,5% YoY, đạt 2,06 tỷ USD và dệt may cũng tăng 18,3% YoY, đạt 1,84 tỷ USD.
Trong nửa đầu tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam giảm 8,3% YoY, còn 2,21 tỷ USD. Đây là kỳ thứ hai trong năm 2024 Việt Nam ghi nhận giảm kim ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng này (sau khi giảm sâu 32,1% YoY vào kỳ 1 tháng 2/2024).
Ngoài điện thoại, một số mặt hàng thuộc nhóm nhiên liệu, nguyên liệu cũng giảm sâu. Cụ thể, dầu thô xuất khẩu giảm tới 83% về giá trị, chỉ còn 19,3 triệu USD; xăng dầu cũng giảm sâu 67% YoY, còn 23,9 triệu USD; phân bón giảm 10,7% YoY, còn đạt 24,2 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu cũng giảm tới 35% YoY, còn 44,7 triệu USD...
Trong nhóm nông sản, trong khi các mặt hàng khác tăng cao thì gạo lại đi lùi 6,1% YoY, còn 249 triệu USD. Ngược lại, hạt tiêu tăng tới 102% YoY, đạt 59 triệu USD; rau quả cũng tăng 97% YoY, đạt 350 triệu USD; cà phê tăng 67% YoY, đạt 195 triệu USD...
Trong nửa đầu tháng 8/2024, than xuất khẩu tăng tới 411% YoY, là mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch cao nhất với kết quả 13,8 triệu USD. Lượng than xuất khẩu cũng tăng từ 8.641 tấn kỳ trước lên 64.421 tấn tại kỳ này.
Về nhập khẩu, kỳ 1 tháng 8/2024, Việt Nam chi 15,9 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ thế giới, tăng 11,1% YoY. Hai mặt hàng nhập khẩu tỷ USD đều ghi nhận tăng về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu với giá trị đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 17% YoY, đạt 2,2 tỷ USD.
Trong kỳ này, kim ngạch nhập khẩu dầu thô tăng tới 160% YoY, lên mức 427 triệu USD; lượng tăng từ 271.813 tấn kỳ trước lên 677.605 tấn kỳ này. Trái ngược, xăng dầu nhập khẩu lại giảm 40% về kim ngạch so với cùng kỳ, còn 306 triệu USD; lượng giảm từ 579.098 tấn tại cùng kỳ năm trước xuống còn 400.201 tấn tại kỳ này.
Một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu khác cũng giảm sâu như nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 31% YoY về giá trị, đạt 13 triệu USD; quặng và khoáng sản khác giảm 32% YoY, đạt 98 triệu USD; ngô giảm sâu 64% YoY, đạt 50 triệu USD; hạt điều giảm 23% YoY, đạt 136 triệu USD...
Trong khi đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu khác của Việt Nam lại có đà tăng trưởng cao như phế liệu sắt thép tăng tới 60% YoY, đạt 97 triệu USD; nguyên phụ liệu dược phẩm tăng 53% YoY, đạt 21 triệu USD; lúa mì tăng 77% YoY, đạt 21 triệu USD...
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới đạt 473,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 244,4 tỷ USD, tăng 15,9% YoY; chi 228,9 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 17,9% YoY. Việt Nam xuất siêu 15,5 tỷ USD hàng hóa tính đến ngày 15/8. |