10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn gạo, trị giá 3,97 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3%.
Đây cũng là con số xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm cao nhất mà Việt Nam đạt được trong suốt 38 năm qua, kể từ khi Việt Nam gia nhập thị trường gạo thế giới.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo theo khu vực, 9 tháng năm 2023, thị trường lớn nhất của Việt Nam là khu vực châu Á, chiếm 76% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 31,6%).
Kế đó là khu vực châu Phi, chiếm gần 17% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 10,8%). Nhờ sự tăng trưởng mạnh, tăng 17,5%, Châu Úc đã giữ vững vị trí thứ 3 khi chiếm 2,41% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Hai khu vực còn lại là châu Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 1,5% và 1,6% tổng lượng gạo xuất khẩu
Về các thị trường đơn lẻ, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023, với gần 2,5 triệu tấn, chiếm 38,1% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ hai là Indonesia với gần 884.200 tấn, tăng đột biến gần 17 lần cả về lượng và kim ngạch, chiếm 13,7% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Một thị trường cũng tăng trưởng mạnh là Trung Quốc, tăng 41,1% đạt gần 859.000 tấn, chiếm 13,4% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Vị trí thứ 4 và 5 lần thuộc về Ghana và Bờ Biển Ngà với lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam lần lượt là 503.700 tấn và gần 393.000 tấn, tăng 55% và giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng chiếm 7,84% và 6,11%.
Từ tháng 8 vừa qua, sau khi Ấn Độ - một trong những nguồn cung gạo hàng đầu ra thế giới - ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của các quốc gia khác đã đẩy lên rất cao, trong đó giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan đã vượt 600 USD/tấn.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 2/11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lần nữa lập kỷ lục khi tăng 10 USD/tấn lên 663 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và vẫn duy trì vị trí thị trường có giá gạo xuất khẩu cao nhất (cao hơn 90 USD/tấn với thị trường đứng thứ 2 là Thái Lan).
Hiện Việt Nam cũng là thị trường duy nhất giá xuất khẩu vẫn đạt mức trên 600 USD/tấn trong 3 nguồn cung gạo chính cho thế giới (gồm Việt Nam, Thái Lan, Pakistan). Giá xuất khẩu gạo 25% tấm và gạo thơm Jasmine của Việt Nam lần lượt là 642 USD/tấn và 748 USD/tấn.
Mức giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao là do Việt Nam vẫn duy trì được sản lượng tốt và chất lượng ngày càng được nâng cao, trong khi hầu hết các thị trường cung cấp gạo chính ra thế giới đều đang thắt chặt nguồn cung do sản lượng giảm bởi tác động của tình hình thời tiết tiêu cực.
Tuy nhiên, đi kèm với giá xuất khẩu tăng thì giá thu mua gạo trong nước cũng tăng trưởng “chóng mặt”, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay doanh nghiệp hiện tại không dám ký hợp đồng xuất khẩu mới, một phần vì lo không đủ nguồn cung, một phần vì giá thu mua gạo trong nước đang quá cao, nếu cộng thêm các chi phí xay xát, vận chuyển thì doanh nghiệp vẫn phải chịu lỗ.
Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, theo các chuyên gia, giá gạo xuất khẩu có thể vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn.
Nguyên nhân là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần, còn Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo. Theo tính toán, nhu cầu của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia và Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 vùng ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa tập trung vào những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.