Xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ cần lưu ý tìm kênh phân phối

Giao thương hoa kỳ
14:16 - 16/07/2022
Xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ cần lưu ý tìm kênh phân phối
0:00 / 0:00
0:00
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt trong việc tìm kiếm kênh phân phối phù hợp.

Phát biểu tại “Hội nghị kết nối nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” do Bộ Công thương kết hợp với UBND các tỉnh tổ chức ngày 15/7, ông Bùi Huy Sơn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, thị trường này có tiềm năng rất lớn đối với hàng hóa của Việt Nam khi là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP năm 2021 đạt tới 23.000 tỷ USD, quy mô tiêu dùng đạt mức 332 triệu người. Đến tháng 5/2022, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 1.337,9 tỷ USD hàng hóa.

Cùng với nhu cầu lớn, thị trường Hoa Kỳ cực kỳ đa dạng về nhu cầu hàng hóa. Đối với nhóm hàng thực phẩm không chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp mà còn có phân khúc tầm trung dành cho các khách hàng “dễ tính”, đặc biệt là nhóm người Hoa Kỳ Latinh, nhóm nhập cư có sức mua vừa phải…

Người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng rất “mát tay” trong việc chi tiêu khi 70% GDP của thị trường này dành cho tiêu dùng. Ngành bán lẻ và dịch vụ được coi là một trong những ngành quan trọng nhất của Hoa Kỳ.

Bên cạnh những lợi thế trên, doanh nghiệp Việt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, ngoài việc phải đảm bảo các thủ tục xuất khẩu, yêu cầu chặt chẽ trong thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp Việt còn phải chú ý đến vấn đề về lao động và bảo vệ môi trường.

“Nếu doanh nghiệp không chú ý vấn đề này có thể ngay lập tức bị cấm xuất khẩu vào Hoa Kỳ”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Bùi Huy Sơn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ phát biểu tại hội nghị.

Ông Bùi Huy Sơn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ phát biểu tại hội nghị.

Là thị trường có sức mua lớn cho nên hàng Việt phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ. Trong khi đó, do khoảng cách địa lý, chi phí logistics cũng đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

Mặt khác, phân khúc tiêu dùng thấp hơn tại Hoa Kỳ chỉ hạ yêu cầu về mẫu mã, trong khi chất lượng hàng hóa vẫn phải đảm bảo, không được kém hơn.

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng các kênh nào?

Theo ông Bùi Huy Sơn, xuất khẩu sang thị trường này có thể thông qua 4 kênh chính, bao gồm thông qua chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia, đầu mối nhập khẩu, thương mại điện tử và quốc gia thứ 3.

Cụ thể, Hoa Kỳ không phát triển mô hình người bán gặp trực tiếp người mua để ký kết giao dịch hợp đồng. Thay vào đó, để tiếp cận các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp phải thông qua các doanh nghiệp đầu mối để được hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ mà doanh nghiệp không thể thực hiện được tại Hoa Kỳ. Đây cũng được đánh giá là phương thức mang lại hiệu quả tốt nhất.

”Thị trường phân phối rất phát triển tại Hoa Kỳ và tính cạnh tranh cũng rất cao, doanh nghiệp muốn tự chen chân vào thị trường này gần như là không thể”, ông Sơn nhận định.

Doanh nghiệp cũng có thể thông qua thương mại điện tử để xâm nhập vào thị trường này. Đồng thời từ việc cung cấp hàng hóa cho các công ty lớn đa quốc gia để thâm nhập vào Hoa Kỳ.

Cuối cùng, thông qua việc xuất khẩu cho các nhà nhập khẩu tại các nước như Mexico, Canada… hàng hóa của doanh nghiệp cũng sẽ được nhập khẩu vào Hoa Kỳ khi các đối tác phân phối trở lại vào thị trường này.

Luôn giữ vị trí đầu bảng các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

Theo thống kê từ phía Hoa Kỳ, tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 6, chiếm 3,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của thị trường này. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng qua.

Còn đối với Việt Nam, bước sang tháng thứ 6 của năm 2022, vị trí nhất bảng về thị trường xuất khẩu vẫn thuộc về Hoa Kỳ. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đạt 56,5 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 45,6 tỷ USD).

Trong đó, có 10 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt trị giá cao nhất, ở mức 9,4 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là hàng dệt may và hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,lần lượt đạt 9,3 tỷ USD và 7,3 tỷ USD…

Trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, cũng ghi nhận 2 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,8 tỷ USD, tuy nhiên so với năm ngoái, kim ngạch năm nay xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ lại suy giảm, ở mức -3,6%. Trong khi đó, hàng thủy sản lại tăng trưởng rất tốt, tăng tới 45% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,3 tỷ USD.

Mức tăng trưởng lạc quan của thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ xuất phát từ việc thị trường này giảm sút sản lượng cá da trơn, lạm phát lại tăng cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn lần thứ 17 của Hoa Kỳ có nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ gia tăng, giá xuất khẩu trung bình lại đạt đỉnh ngay tại thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, tôm và cá ngừ là mặt hàng lớn nhất Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Đây cũng là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng trị giá xuất khẩu tôm và cá ngừ ra thế giới của Việt Nam, chiếm lần lượt 21% thị phần và 54% thị phần. Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tới 25,6% thị phần (sau Trung Quốc).

Đối với các mặt hàng nông nghiệp khác đều ghi nhận tăng trưởng tốt, ngoại trừ hạt điều và cao su. Theo đó, gạo là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 10,7 triệu USD. Các sản phẩm như chè, hạt tiêu, cà phê cũng tăng trưởng lạc quan, lần lượt là 33,5%, 33,3% và 27,3%.

Đối với mặt hàng chè, sự tăng trưởng xuất phát một phần từ nhu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ với sản phẩm này. Theo số liệu của Hiệp hội Chè Hoa Kỳ, cứ 5 người tiêu dùng Hoa Kỳ thì có 4 người uống chè. Năm 2021, thị trường này tiêu thụ khoảng 14,76 tỷ lít chè. Thế hệ Millennials (sinh từ năm từ năm 1981 đến 1996) là nhóm tiêu thụ chè lớn nhất tại Hoa Kỳ, chiếm 87% lượng người được khảo sát đều uống chè.

Trong năm 2022, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trong tháng 5/2022, năm nay nước này sẽ nhập khẩu khoảng 180,5 tỷ USD hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó từ Việt Nam là 2,3 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế, nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hàng hóa nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này.

Đọc tiếp