Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thương mại xuất khẩu nông lâm thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đã có sự tăng trưởng đáng kể qua các năm, và đạt mức kỷ lục 53,52 tỷ USD năm 2022.
Mục tiêu đặt ra cho năm 2023 là 54 tỷ USD và để đạt được mục tiêu đó, việc đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh là hết sức quan trọng, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Việc Trung Quốc chính thức nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.
Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN “Mặc dù sản lượng tổ yến của Việt Nam còn khiêm tốn, tuy nhiên giá trị kinh tế lại rất lớn, do vậy với dấu mốc quan trọng này, hy vọng giá trị xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể, góp phần vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam”
Ngày 3/11/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có thông báo chính thức cho CTCP Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm tổ yến (gồm có tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn) sang thị trường Trung Quốc.
Ngay sau được cấp phép xuất khẩu, AVANEST Việt Nam đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc là công ty TNHH Tập đoàn Quản lý đầu tư công nghiệp Y tế Hải Yến, thuộc Tập đoàn Nhân Hòa, một trong những Tập đoàn dược phẩm lớn của Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc hơn 1,4 tỷ người là nơi tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng khai thác tổ yến của Trung Quốc còn hạn chế.
Do đó hàng năm Trung Quốc đã nhập khẩu lượng lớn yến sào từ các nước khác. Theo số liệu chuyên ngành tổ yến, nhập khẩu sản phẩm này chính ngạch vào Trung Quốc năm 2020 là khoảng 220 tấn; Năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn.
Trung Quốc nhập khẩu yến sào từ nhiều quốc gia ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và hiện nay có thêm Việt Nam.
Trung Quốc được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với các sản phẩm yến. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Tại Việt Nam, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân.
Hiện nay, Việt Nam có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.
“Chúng tôi nhìn nhận việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sản phẩm tổ yến của Việt Nam vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm tổ yến tự hoàn thiện, đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu”, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Ngành yến tại Việt Nam được đánh giá là một ngành mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Ngay sau khi Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc được ký kết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực triển khai các nhóm hoạt động liên quan nhằm mục tiêu xuất khẩu được lô sản phẩm tổ yến đầu tiên trong thời gian sớm nhất.
Những hoạt động chính bao gồm phổ biến các thông tin và các quy định của Nghị định thư cho các cơ quan thú y, doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm tổ yến trên cả nước. Đàm phán và thống nhất Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu. Xây dựng và triển khai các chương trình giám sát an toàn dịch bệnh; giám sát an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT cũng tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các nhà nuôi chim yến, cơ sở chế biến tổ yến để rà soát điều kiện vệ sinh thú y, hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trương khắc phục các tồn tại, bất cập trong quy trình sản xuất, vệ sinh nhà máy nhằm đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc. Hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu trên hệ thống mạng của TCHQ Trung Quốc, phối hợp với TCHQ Trung Quốc thực hiện kiểm tra trực tuyến...
Sau gần 5 năm trao đổi, đàm phán, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và có hiệu lực từ ngày 9/11/2022.
Nghị định thư bao gồm 16 Điều. Việc sản xuất và chế biến tổ yến để xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các quy định có liên quan của Việt Nam và Trung Quốc về kiểm dịch, kiểm tra và an toàn thực phẩm.
Các cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nhà nuôi yến đã đăng ký đến khi xuất khẩu, bảo đảm sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và thu hồi kịp thời khi có sự cố.