Sản phẩm sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: CTCP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. |
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3 sáng ngày 31/3, ông Nguyên cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng 23%, thị trường này hiện chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc Việt Nam đã có các nghị định thư với Trung Quốc, bao gồm sầu riêng vào tháng 7/2022 và chuối, khoai lang vào tháng 11/2022. Trong dịp tết Âm lịch, Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu một số mặt hàng rau quả sang Trung Quốc như sầu riêng, thanh long, mít…
Tại các thị trường lớn khác, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành xuất khẩu bưởi đi Mỹ và chanh leo đi New Zeeland trong năm 2022.
Mặt khác, nhờ các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP, RCEP cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023.
Đối với mặt hàng sầu riêng, mặc dù nghị định thư xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ có hiệu lực từ tháng 7/2022 và bắt đầu xuất khẩu mạnh sang thị trường này từ tháng 9 cùng năm, nhưng tính đến hết tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã đạt 420 triệu USD.
“Năm 2023, nếu thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt trên dưới 1 tỷ USD”, ông Nguyên nhận định. Theo dự báo của ông, bên cạnh trái thanh long, mặt hàng sầu riêng sẽ mang lại giá trị tỷ USD trong tương lai không xa.
Nâng mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu
Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Để ngành rau quả có cơ hội thâm nhập vào thị trường này nhiều hơn, theo TTK Vinafruit, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương (bao gồm Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc) sẽ phối hợp, đàm phán, ký kết thêm nghị định thư cho các mặt hàng rau quả đã xuất khẩu chính ngạch mà chưa có nghị định thư như thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm…
Đồng thời, thúc đẩy thêm xuất khẩu các loại trái cây khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa…
“Việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu rất cấp thiết. Hiện tại, giá dừa đã xuống rất thấp, ảnh hưởng rất nhiều đến người nông dân trồng dừa, đặc biệt tại địa bàn tỉnh Bến Tre. Doanh nghiệp làm dừa đang rất mong ngóng được phép xuất khẩu dừa vào thị trường Trung Quốc để cải thiện tình hình tiêu thụ”.
Tại các thị trường khác, cần tăng cường kêu gọi, đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến rau quả Việt Nam, đưa rau quả Việt tiến sâu vào nội địa Trung Quốc, đến các thị trường xa như Mỹ, EU.
Ngoài ra, các Đại sứ, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nên tổ chức các lễ hội trái cây cùng các món ăn rau quả từ Việt Nam để quảng bá đến bạn bè nước sở tại và quốc tế, mở ra cơ hội xuất khẩu hàng rau quả.
Đối với mặt hàng sầu riêng, để tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng tốt trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Tổng thư ký Vinafruit cho rằng cần phải tăng thêm mã vùng trồng được Trung Quốc cấp phép.
Hiện nay, Việt Nam mới được phía Trung Quốc phê duyệt 246 mã vùng trồng sầu riêng, với số mã này thì khó mà tiêu thụ hết lượng trái đang có khi mà tại Việt Nam có tới 110.000 ha sầu riêng. Trong khi đó, nhìn sang thị trường hàng xóm là Thái Lan, nước này đã được Trung Quốc cấp cho gần 20.000 mã vùng trồng và 2.000 mã cơ sở.
“Nếu mã vùng trồng không được nhiều thì tại Việt Nam sẽ có hiện tượng “thắt cổ chày” xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng vẫn còn nhưng không đủ quota để xuất khẩu”, theo ông Nguyên.
Việt Nam cũng cần có biện pháp bảo vệ ngành hàng, thậm chí cần xử lý hình sự những ai vi phạm mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, đóng hàng giả, chất lượng xấu, làm mất uy tín thương hiệu quốc gia.
Mặt khác, để người nông dân có thể chuẩn bị đầy đủ khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra thì Bộ NN&PTNT nên có đủ cán bộ có thể hướng dẫn cho nông dân, tránh tình trạng không được cấp mã do chủ vườn không rõ, không biết quy định, yêu cầu.
Sáng ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023. Đây là hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.
Hội nghị lần này nhằm đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý 1/2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.