Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dự báo còn nhiều thách thức

MỸ THỦY SẢN
12:01 - 15/03/2024
Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Mỹ đạt 77,7 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 29% so với tháng 1/2024.

Lũy kế hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 188,5 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản với 196 triệu USD), tương ứng chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hai tháng đầu năm 2024.

Dự báo về tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2024, chia sẻ với Mekong ASEAN, Tham tán thương mại – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ khi sức mua giảm, nhu cầu đối với hàng thực phẩm đắt đỏ như thủy sản vẫn thấp. Chi phí các khâu tăng cao cũng khiến các nhà nhập khẩu Mỹ không giảm giá bán để kích thích tiêu dùng.

Vấn đề xây dựng, bảo vệ và khai thác thương hiệu hàng thủy sản Việt cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khác hiện chỉ phân phối qua kênh trung gian, bán lẻ của các nhóm nhà nhập khẩu châu Á chứ chưa đưa vào hệ thống phân phối trực tiếp của Mỹ. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý xa, chi phí vận chuyển cao khiến tính cạnh tranh thủy sản của Việt Nam thấp hơn các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ…

Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam còn cao so với các đối thủ cạnh tranh chính như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Tại Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ năm 2023, tôm của các nước này rẻ hơn Việt Nam từ 2 – 3 USD/kg, điều này gây khó khăn cho việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt.

Ông Hưng cho rằng, nguyên nhân khiến giá thành nuôi tôm của Việt Nam còn cao là do diện tích nuôi nhỏ lẻ, chất lượng giống chưa đảm bảo, mật độ cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp, chi phí thức ăn và đầu vào gia tăng…

Dù vậy, bên cạnh những thách thức, theo ông Hưng, thủy sản Việt Nam cũng đang có những lợi thế lớn tại thị trường Bắc Mỹ này. Cụ thể, tôm Việt Nam vẫn được ưa chuộng tại thị trường Mỹ do hàm lượng chế biến cao, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phile đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022.

Theo kết quả cuối cùng đợt rà soát POR19, CTCP Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế 0,00 USD/kg; 5 doanh nghiệp khác là CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cần Thơ, CTCP Thủy sản Lộc Kim Chi, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I, CTCP Hùng Vương, CTCP Thủy sản Cafatex đều được áp mức thuế chống phá giá 0,18 USD/kg.

Mức thuế toàn quốc trong đợt rà soát POR19 là 2,39 USD/kg.

“Đây là tín hiệu tích cực đối với triển vọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ khi số lượng xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng lên do giảm chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã thể hiện được năng lực và kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, hy vọng điều này sẽ tiếp tục được phát huy trong các POR sắp tới”, ông Đỗ Ngọc Hưng chia sẻ với Mekong ASEAN.

Tin liên quan

Đọc tiếp