Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dự kiến đến quý 3/2023 mới giảm chậm lại

THỦY SẢN Quý 1
11:25 - 16/04/2023
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dự kiến đến quý 3/2023 mới giảm chậm lại
0:00 / 0:00
0:00
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, quý 2/2023 Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giảm mạnh, từ quý 3/2023 trở đi tốc độ giảm của xuất khẩu thủy sản sẽ chậm lại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2023 đạt 766,4 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ 2022.

Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,83 tỷ USD, giảm 27,3% so với quý 1/2022. Xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 giảm mạnh một phần do xuất khẩu quý 1/2022 đã tăng đột biến tới 45,4% so với cùng kỳ năm 2021. So với thời điểm trước dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 cao hơn 2,3% so với quý 1/2019.

Quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Israel.

Mặc dù xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản có dấu hiệu chậm lại nhưng đây là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong quý 1 với kim ngạch đạt 322,1 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 (chủ yếu do giá thủy sản giảm).

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tiếp tục giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này giảm bởi lạm phát cao cùng với việc tồn kho thủy sản vẫn ở mức cao khi các nhà nhập khẩu đã đẩy mạnh nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, quý 2/2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giảm mạnh do mức nền cao của cùng kỳ năm 2022. Từ quý 3/2023 trở đi, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ giảm chậm lại.

Tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này hiện vẫn chưa được như kỳ vọng, tiếp tục giảm 36,8% trong tháng 3/2023, đạt 112,76 triệu USD. Tính chung quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 238,37 triệu USD.

Hàng thủy sản của Việt Nam hiện đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nước cung cấp khác tại Trung Quốc. Đối với mặt hàng tôm, Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn của Ecuador và Ấn Độ khi thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Các mặt hàng thủy hải sản khác như các loài cá biển, mực, bạch tuộc... Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu từ các nước khác.

Trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều ghi nhận đà giảm thì xuất khẩu thủy sản sang Israel lại tới 40% trong tháng 3/2023, đạt 6,5 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Israel đạt 19,49 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2022, là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù là thị trường nhỏ, nhưng trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường lớn, truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Israel tăng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thủy sản.

Mặt khác, ngày 2/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã kết thúc vòng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Israel cho là rất có ý nghĩa với doanh nghiệp thủy sản. Hiện nay trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, thị trường Israel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa cao, nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi có sức mua, khả năng thanh toán cao. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp