Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 3, bà Tô Tường Lan – Phó tổng thư ký VASEP cho biết, trong quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 1,8 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm tới 55% so với cùng kỳ năm 2022, châu Âu giảm 30%, CPTPP giảm 23,5% (riêng Canada giảm 67%). Trung Quốc là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường chính với -11% so với quý 1/2022.
Bà Lan cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên là vấn đề lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại thị trường Mỹ (vốn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam năm 2022). Cuộc khủng hoảng đã khiến các ngân hàng tại Mỹ thắt chặt tín dụng của các nhà nhập khẩu. Điều này khiến các nhà nhập khẩu không có đủ khả năng tài chính để nhập khẩu hàng với số lượng lớn.
Tác động từ thị trường Mỹ cũng đã kéo theo ảnh hưởng tại các thị trường khác là Canada và châu Âu.
“Xu hướng giảm tại các thị trường chính đang thể hiện rất rõ ràng và tín hiệu giảm sẽ kéo dài đến ít nhất qua hết hè năm nay”, bà Lan nhận định.
Sự sụt giảm của ngành thủy sản cũng diễn ra trong bối cảnh các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục 11 tỷ USD với sự góp phần của đà tăng giá xuất khẩu cùng với chi phí logistics. Trong khi đó, giá xuất khẩu thủy sản hiện tại lại đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Theo bà Lan, năm vừa rồi, lượng hàng thủy sản nhập khẩu của các doanh nghiệp rất lớn, do đó các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng và giá thành để tiến hành nhập khẩu các đơn hàng tiếp theo.
“Sự sụt giảm không nằm ngoài dự đoán của hiệp hội. Tuy nhiên chúng tôi và cả doanh nghiệp đều rất sốc. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đến tháng 4,5 và 6 vẫn chưa có đơn hàng”, bà Lan chia sẻ.
Mặt khác, đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa thủy sản Việt Nam và các đối thủ trên trường quốc tế, đặc biệt là Eucuador và Ấn Độ.
Đối với mặt hàng tôm, năm 2022, tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ecuador và Ấn Độ, hai thị trường này đã dần chiếm thị phần tại Mỹ (vốn là thị trường nhập khẩu tôm đông lạnh lớn nhất của Việt Nam).
Tại Trung Quốc, Ecuador hiện đã chiếm hơn 60% thị phần tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu của nước này, trong khi đó Ấn Độ chiếm từ 19-20%. Hai thị trường này đã tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến tại Trung Quốc và điều này đã tạo ra áp lực rất lớn đối với tôm Việt Nam. Nếu như năm 2022, thị phần tôm của Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 14-15% thì đến quý 1/2023 chỉ còn chiếm 10%.
Đối với sản phẩm cá tra, đây vốn là mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Dù vậy, khi chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra đã đẩy cá thịt trắng xuống mức thấp nhất lịch sử, điều này đã tác động lên lực mua của thị trường Trung Quốc – thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 33%.
Hiện Trung Quốc vẫn được coi là thị trường sáng nhất trong bức tranh thủy sản ảm đạm khi chỉ giảm 11%. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa dù đã khiến giá cá tra tăng lên nhưng các nhà nhập khẩu, đặc biệt các nhà nhập khẩu chính ngạch vẫn còn tương đối dè dặt khi nhập thêm các đơn hàng mới.