Xuất nhập khẩu tăng trưởng dương trở lại trong tháng 2

XNK Tháng 2
12:10 - 28/02/2023
Xuất nhập khẩu tăng trưởng dương trở lại trong tháng 2
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo của của Tổng cục Thống kê (GSO) sáng ngày 28/2, trong tháng 2, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 2, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng dương trở lại, bù đắp cho sự sụt giảm diễn ra ở các ngành hàng nhập khẩu, kéo theo tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng có mức tăng trưởng tốt hơn so với tháng 1/2023.

Mặt khác, sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng cũng tăng khoảng 5,1% so với tháng trước do số ngày làm việc nhiều hơn và người lao động trở lại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do tình hình xuất, nhập khẩu tháng 1 không mấy lạc quan, góp phần đưa lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước đạt xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu khoảng 2,82 tỷ USD.

Về thị trường, theo GSO, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với khoảng 14,6 tỷ USD.

Trong hai tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang EU ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 6,4 tỷ USD, giảm 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 4,7 tỷ USD, giảm 27,2%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 23,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 237,2 triệu USD, tăng 4,5%.

Xuất khẩu hồi phục ở hầu hết ngành hàng

Trong tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 3 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).

Trong tháng 2, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng dương so với tháng 1/2023, ngoại trừ thủy sản, clanhke và xi măng; gỗ và sản phẩm gỗ; xăng dầu; xơ sợi dệt; máy vi tính, điện tử và linh kiện….

Việc Trung Quốc mở cửa kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn tăng trưởng lạc quan đối với một số ngành nghề trong thời gian tới. Theo báo cáo đầu tháng 2/2023 của công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự kiến nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc sẽ gia tăng do người dân ghé thăm các tụ điểm ăn uống và đi du lịch sau 3 năm thực hiện chính sách Zero Covid. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam năm 2022.

Mặt khác, theo số liệu của GSO, cá tra lại chiếm phần lớn tỷ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng tại Việt Nam trong tháng 2 với 237.200 tấn, chiếm 71%. Do vậy, về lâu dài, việc Trung Quốc mở cửa có thể góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trong mảng gỗ, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam (năm 2022 nhập khẩu 2,1 tỷ USD mặt hàng này, chiếm 13,5% tổng xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam), dự báo mảng này cũng sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Nhập khẩu tiếp tục tháng tăng trưởng âm

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 của Việt Nam ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,3%).

Trong tháng 2, nhiều mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận đà tăng trưởng âm, trong đó mặt hàng có mức giảm lớn nhất là phân bón với -69,8%; đứng sau là điện thoại và linh kiện với -63,2%...

Ngược lại, mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng lớn nhất là dầu thô với 360,4%; liền kề là khí đốt hóa lỏng với 217,2%...

Đọc tiếp