Yeah1 bị mất hoàn toàn hợp đồng với YouTube vào năm 2019 do vi phạm chính sách nội dung. |
Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán YEG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 147 tỷ đồng, giảm 295 tỷ so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận gộp thu về vẫn đạt 18 tỷ đồng, nhờ giá vốn bán hàng giảm mạnh; trong khi cùng kỳ lỗ 102 tỷ đồng do giá vốn chiếm tới 151 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh thu tài chính của công ty trong quý này cũng tăng mạnh, đạt 369 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này âm 8,6 tỷ đồng. Kết quả trong quý IV, Yeah1 đạt lợi nhuận sau thuế 281 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số lỗ 195 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế cả năm, YEG đạt tổng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.125 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Nhưng doanh thu tài chính đạt 378 tỷ đồng, tăng mạnh so với 7,8 tỷ đồng năm 2020.
Cộng thêm giá vốn giảm, Yeah1 ghi nhận lợi nhuận trước thuế 91 tỷ đồng, sau thuế 27,7 tỷ đồng. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 16,7 tỷ đồng. Năm 2020, công ty lỗ sau thuế 180 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Yeah1 đi xuống từ năm 2019 sau khi "chia tay" với YouTube.
Thuyết minh về kết quả kinh doanh năm 2021, lãnh đạo Yeah1 cho biết lợi nhuận của Tập đoàn tăng mạnh so với năm 2020 là do có ghi nhận khoản doanh thu tài chính từ việc thoái vốn các công ty con.
Theo đó trong năm qua, công ty đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn tại 2 công ty con trực tiếp là CTCP Truyền thông ON+ (51%) và CTCP Yeah1 eDigital (96,6%). Các công ty gián tiếp là Công ty Netlink Online Corporation, Công ty TNHH Truyền thông Trực tuyến Netlink Việt Nam, Công ty Cổ phần Yeah1 Publishing, Công ty TNHH Trung tâm Nội Dung Số, cũng không còn được ghi nhận vốn đóng góp trên báo cáo tài chính.
Việc thoái vốn khỏi các công ty con diễn ra trong bối cảnh Yeah1 trải qua 2 năm kinh doanh thua lỗ vì tác động nặng nề của Covid-19. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tân Hiệp Phát vào đầu năm 2020 cũng không giúp Yeah1 cải thiện tình hình là mấy.
YEG là mã cổ phiếu gây nhiều tiếc nuối trên sàn chứng khoán khi trượt từ vùng giá khó tưởng (300.000 đồng/cp) xuống chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/cp. Thậm chí hồi tháng 4/2021, cổ phiếu này còn bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát, chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận; do thua lỗ triền miên. Kết phiên 16/2, YEG có giá 20.500 đồng.
Thậm chí giữa lúc cổ phiếu YEG bết bát nhất, bà Trần Uyên Phương – ái nữ nhà Tân Hiệp Phát còn chấp nhận cắt lỗ hàng trăm tỷ đồng để không còn là cổ đông lớn của công ty này. Tuy nhiên đầu tháng 1 vừa qua, bà Phương lại bất ngờ mua lại gần 3,7 triệu cổ phiếu YEG; nâng sở hữu vốn từ 2,51% lên 14,33%.
Số cổ phiếu này được bà Phương mua lại từ ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Yeah1. Sau giao dịch, ông Tống giảm sở hữu từ 24,72% vốn (hơn 7,7 triệu cổ phiếu) xuống còn 12,9% vốn (hơn 4 triệu cổ phiếu).
Trước ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, một vị lãnh đạo khác là Tổng Giám đốc YEG - ông Đào Phúc Trí - cũng đã bán thoả thuận xong hơn 1,1 triệu cổ phiếu YEG để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,1% vốn.
Cuộc thoái vốn của co-founder Yeah1 và sự trở lại của bà Trần Uyên Phương được cho là sẽ mang tới “làn gió mới” cho Yeah1 trong thời gian tới.
Động thái mới đây nhất, Tập đoàn đã miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc với bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh từ ngày 16/2/2022. Thay vị trí này là ông Lê Minh Nhật Tín (SN 1979). Ông Tín được giới thiệu là founder của Innovative Consulting Group – đối tác tư vấn, vận hành chuyển đổi số cho ngân hàng và doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.