Tôn Đông Á lên sàn sẽ giúp nhóm ngành thép, tôn mạ thêm hùng hậu, |
Theo quyết định ngày 24/8 của HNX, cổ phiếu của Tôn Đông Á sẽ lên sàn với mã chứng khoán GDA. Với mệnh giá 10.000 đồng/cp, giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch tương ứng là gần 1.147 tỷ đồng.
Theo bản cáo bạch niêm yết, Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập ngày 5/11/1998, sau đó được đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005 và chuyển sang dạng cổ phần từ năm 2009.
Khi thành lập, công ty có vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Trải qua 13 lần tăng vốn, đến nay vốn điều lệ của công ty là là 1.146,92 tỷ đồng. Công ty có 4 cổ đông lớn bao gồm ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn điều lệ; bà Lê Thị Phương Loan - thành viên HĐQT sở hữu 10,73% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam sở hữu 7,44% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - thành viên HĐQT sở hữu 6,57% vốn điều lệ. Còn lại 42,66% thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Theo giới thiệu, Tôn Đông Á hoạt động trong ngành thép, chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực trung đến hạ nguồn. Với nguyên liệu đầu vào chính là thép cuộn cán nóng (HRC), công ty tập trung sản xuất các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao như tôn mạ kẽm, tôn kẽm mạ màu, tôn mạ lạnh và tôn lạnh mạ màu. Hiện tại, công ty đang sở hữu hai nhà máy Thủ Dầu Một và Sóng Thần 1 với tổng công suất sản phẩm tôn đạt 800.000 tấn/năm.
Công ty đang có kế hoạch đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.
Cụ thể, dự án đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba được chia làm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu thuần 8.726 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng, thấp hơn 33% và 49% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng so với 6 tháng cuối năm 2022 tăng lần lượt là 2% và 130%.
Theo công ty, kết quả kinh doanh cải thiện do giá vốn bán hàng và tồn kho đã giảm và giá bán đã phục hồi. Bên cạnh đó lãi vay và tỷ giá ổn định, ít những biến động đột ngột hơn. Nhờ đó, biên lợi nhuận của công ty đã phục hồi.
Năm 2023, Tôn Đông Á đặt kế hoạch tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 200 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 277 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, tổng sản lượng dự kiến 760.000 tấn, tương đương 98,7% so với thực hiện trong năm 2022.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, Tôn Đông Á có tổng tài sản 10.339 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Công ty có hơn 2.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi; gần 3.400 tỷ đồng hàng tồn kho. Nợ vay ở mức 5.318 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn tại các ngân hàng.