Công nghệ định hình không chỉ lối sống mà còn kinh tế và tinh thần của giới trẻ. |
Kể từ khi Internet được khai sinh vào năm 1983, ngành công nghệ trên thế giới đã có nhiều bước tiến vĩ đại và dần tạo nên ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực trong đời sống. Nếu ngày trước, việc thanh toán không cần ví hay gặp mặt một người cách chúng ta hàng trăm km là điều không thể tưởng tượng nổi, những công việc này ngày nay lại có thể được thực hiện một cách dễ dàng.
Thậm chí, những công nghệ trước kia chỉ xuất hiện trên các tác phẩm phim truyện viễn tưởng như xe ô tô bay, chip cấy não hay thiết bị thực tế ảo cho metaverse đều đang được ra mắt và thử nghiệm tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các công nghệ này vẫn chỉ đang ở trong những bước chập chững ban đầu.
Lớn lên trọn vẹn trong thời đại công nghệ phát triển và thay đổi mỗi ngày, Gen Z chính là thế hệ số với các đặc điểm thích nghi nhanh, năng động, hiểu biết về công nghệ và dám làm. Vai trò của công nghệ với những người trẻ tuổi không chỉ giới hạn trong giải trí, mà còn có thể mở rộng tới kinh doanh hay học tập và nhiều lĩnh vực khác.
Học tập bằng công nghệ đang là một “bình thường mới”
Một phần do đại dịch Covid-19 làm gián đoạn mọi hoạt động đi lại thường nhật, nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là học sinh và sinh viên đã phải trải qua nhiều học kỳ theo hình thức hoàn toàn trực tuyến. Theo ước tính của UNESCO, có khoảng 1,2 tỷ học sinh trên 186 quốc gia khắp thế giới đã không thể tham gia các lớp học trực tiếp do trường học đóng cửa vì các đợt phong tỏa của chính phủ.
Sự gián đoạn này đã dẫn tới bùng nổ trong việc ứng dụng số vào giáo dục, đặc biệt là thông qua các nền tảng cho phép họp mặt trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Google Meeting, hay tại Trung Quốc là DingTalk được phát triển bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và Tencent Video của tập đoàn Tencent.
Tuy nhiên, việc học tập của giới trẻ không chỉ xảy ra thông qua các nền tảng họp mặt trực tuyến mà còn thể hiện ở sự gia tăng truy cập vào các nền tảng tổ chức các khóa học trực tuyến miễn phí như Coursera.
Được thành lập bởi 2 giáo sư khoa học máy tính từ Đại học Stanford là Andrew Ng. và Daphne Koller vào năm 2019, đại dịch Covid-19 đã khiến nền tảng này ghi nhận số người học gia tăng từ mức 44 triệu vào năm 2019 lên tới 92 triệu vào năm 2021, theo Forbes. Nhờ đó, Coursera trở thành nền tảng học trực tuyến lớn nhất thế giới và là đối tác của hơn 250 trường đại học và công ty trên thế giới, trong đó có các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, IBM, Oracle hay Microsoft.
Theo báo cáo của Coursera được World Economic Forum trích dẫn hồi đầu năm 2022, các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Philippines nằm trong top 10 quốc gia có số lượng tăng trưởng người học cao nhất trên nền tảng này. Đối với Việt Nam, số lượng người học mới tăng 55%, khiến tổng số người Việt Nam theo học các khóa học trực tuyến tại Coursera đạt mức 718.000 người.
Mr.Beast là Youtuber Gen Z kiếm được nhiều tiền nhất trên thế giới với khối tài sản vượt qua nhiều ngôi sao đình đám trong làng giải trí. |
Giới trẻ sử dụng công nghệ như một công cụ kiếm tiền
Nhờ cá tính năng động và tư duy đổi mới, ngày càng nhiều người trẻ tuổi sử dụng công nghệ, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội để kiếm thêm thu nhập hoặc thậm chí biến nó thành nghề của mình. Sự bùng nổ của mạng xã hội đã khiến nhiều nghề nghiệp chưa từng xuất hiện trước đây trở thành một công cụ kiếm tiền hữu ích và giúp nhiều người trẻ tuổi sở hữu khối tài sản khổng lồ.
Các nghề nghiệp như review sản phẩm, sáng tạo nội dung, bán hàng qua hình thức livestream hay stream game trên các nền tảng mạng xã hội đang mang lại cho những người trẻ tuổi thuộc Gen Z thu nhập trong mơ. Theo danh sách 10 Youtuber kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2021 được công bố bởi Forbes, có tới 4 cái tên thuộc Gen Z xuất hiện.
Youtuber Jimmy Donaldson, hay thường được biết tới là MrBeast, đứng đầu với khoản tiền kiếm được trong năm 2021 lên tới 54 triệu USD. Sinh năm 1998 tại Kansas, Mỹ, MrBeast sở hữu 90 triệu người theo dõi với tổng số lượt xem các video của mình lên tới 10 tỷ view. Với thu nhập trên, MrBeast hoàn toàn có thể tiến vào top 40 trong số 100 ngôi sao giải trí được trả lương cao nhất, thậm chí còn đứng trên cả những cái tên đình đám hiện tại như Billie Eilish, Kim Kardashian, Angelina Jolie và BTS.
Là một Youtuber Gen Z khác, Jake Paul đứng thứ 2 danh sách với thu nhập 45 triệu USD trong năm 2021 và Unspeakable - Youtuber chuyên stream game Minecraft - kiếm được 28,5 triệu USD và xếp ở vị trí thứ 5. Đứng ở vị trí thứ 7 là Youtuber sinh năm 2011 Ryan Kaji với các video có nội dung review đồ chơi. Kênh Youtube Ryan’s World của cậu bé này có tới 31 triệu người đăng ký và thu về 27 triệu USD trong năm 2021.
Ở một diễn biến khác, những người trẻ tuổi với tư cách là thế hệ thích ứng nhanh nhất với công nghệ cũng không nằm ngoài cơn sốt tiền điện tử. Theo khảo sát từ Pew Research với 10.000 người Mỹ trưởng thành, khoảng 43% đàn ông từ độ tuổi 18 tới 29 đã sử dụng hoặc đầu tư vào tiền điện tử. Các đặc điểm của tiền số như tính rủi ro cao và biến động lớn không làm chùn bước những người trẻ tuổi trong việc đặt cược để thay đổi cuộc sống và kiếm thêm thu nhập.
Đối với thế hệ trẻ, mạng xã hội là công cụ vừa khiến mọi người xa cách, vừa khiến mọi người xích gần nhau hơn. |
Đồng điệu và kết nối với nhau trong thời đại số
Nhiều người có thể cho rằng sự phát triển của các thiết bị thông minh như điện thoại hay máy tính bảng và sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội khiến mọi người trở nên xa cách nhau hơn. Sự tự do mà công nghệ mang lại, trên thực tế, đang mang lại tác dụng ngược lên mong muốn cá nhân và khiến nhiều người trở nên cô đơn hơn.
Sự cô đơn và các ảnh hưởng khác lên sức khỏe tâm lý của mỗi người có thể trở nên trầm trọng, đặc biệt là khi một người tiếp xúc với các hình ảnh lý tưởng của xã hội xung quanh và bắt đầu các so sánh tiêu cực. Theo nghiên cứu của Huntsman Mental Health Institute, những người trưởng thành trẻ tuổi sử dụng mạng xã hội có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 3 lần những người không sử dụng.
Tuy nhiên theo một hướng nào đó, công nghệ kết nối con người một cách sâu sắc hơn. Nhờ đặc tính cá nhân hóa của các nền tảng mạng xã hội, những người chia sẻ chung các điểm tương đồng về cuộc sống hay tính cách có thể tìm thấy nhau và trò chuyện dễ dàng hơn. Từ đó, nhiều người có thể phát triển một mối quan hệ ngoài đời thực từ các mối quan hệ trên Internet.
Không khó để có thể tìm thấy vô số hội nhóm của những người chia sẻ chung tình cảm hay đam mê với một thứ gì đó, ví dụ như hội nhóm cho những người hâm mộ bóng đá, cho người yêu xe máy hay cho những người yêu thú cưng như chó và mèo trên khắp các diễn đàn và các nền tảng mạng xã hội.
Thậm chí trên mạng, người ta còn có thể tìm thấy những hội nhóm chia sẻ nhiều trải nghiệm riêng tư hơn, ví dụ như về các căn bệnh tâm lý hay về một tổn thương nào đó từng gặp và ngược lại, nhận được sự đồng cảm từ những người dùng Internet khác. Một người, bất kể được coi như “lập dị” hay “khác thường” bởi những người khác tới đâu, đều có thể tìm được những cá thể khác đồng điệu với mình nhờ công nghệ.
Song song với những hiệu ứng tiêu cực, nhiều người trẻ tuổi vẫn đang nhận được sự an ủi và cảm thông mỗi ngày từ những người lạ - những người có thể hoàn toàn không liên quan tới nhau ngoài đời thực nhưng được kết nối gần gũi thông sợi dây công nghệ. Sự đồng điệu này có lẽ là điểm khác biệt trong kết nối thời đại số giữa những người trẻ tuổi và những người thuộc các thế hệ khác.