30 năm 'chinh chiến' thương trường của bầu Hiển

30 năm 'chinh chiến' thương trường của bầu Hiển

SHB Bầu Hiển
10:14 - 11/02/2024

Hành trình 3 thập kỷ của T&T Group in đậm dấu ấn của ông Đỗ Quang Hiển (thường được gọi là Bầu Hiển) - vị doanh nhân tuổi Nhâm Dần xuất thân từ khoa học nhưng rẽ ngang sang thương trường, và thành công rực rỡ. Năm 2023, Tập đoàn T&T được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ ba vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập (1993-2023).

Qua hành trình 30 năm, từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ chuyên xuất nhập khẩu, điện tử, điện lạnh, T&T Group đã trở thành tập đoàn đa ngành, tham gia nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước như bất động sản, ngân hàng, xuất nhập khẩu, thể thao... Vốn điều lệ của doanh nghiệp tính đến thời điểm cuối năm 2023 đứng ở mức 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, có 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 80 triệu USD.

Tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1984, bầu Hiển có 3 năm làm việc ở Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, rồi chuyển sang Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia với ước mơ cho ra đời những công trình khoa học gây tiếng vang. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, cơ hội được tiếp cận những nhà kinh tế, các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã khiến ông thay đổi lộ trình cuộc đời mình.

"Tôi nhận thức được rằng đất nước mình sẽ phải hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Xu thế quốc tế đang diễn ra thì chắc chắn Việt Nam mình sẽ như vậy", Bầu Hiển từng chia sẻ với truyền thông về lý do bứt ra khỏi môi trường Nhà nước để đeo đuổi sự nghiệp kinh doanh.

Nhờ một người bạn thân làm ở công ty xuất nhập khẩu điện tử tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm, năm 1993, ông thành lập Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T. Cửa hàng kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng… đầu tiên được mở tại địa chỉ 68 Phố Huế. Sau đó liên tiếp các cửa hàng được mở thêm ở trung tâm Hà Nội.

T&T sau này còn mở rộng mạng lưới với 500 đại lý trên khắp các tỉnh phía Bắc, từ Hà Nội tỏa đi Việt Trì (Phú Thọ), Sơn La, Vinh (Nghệ An)... Giai đoạn đó, T&T chính là doanh nghiệp phân phối độc quyền của Matsushita, với danh mục hàng hóa bao gồm hơn 10.000 sản phẩm, từ viên pin tiểu tới chiếc tủ lạnh của thương hiệu hàng đầu Nhật Bản.

Thành công đến nhanh nhưng thất bại cũng sớm hiện hữu để thử thách ý chí làm giàu của vị doanh nhân trẻ. Đó là năm 1998, khi hàng hóa nhập lậu “khuynh đảo” thị trường khiến T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam rơi vào hoàn cảnh không bán được hàng, làm ăn sa sút. Gánh nợ lên tới vài chục tỷ đồng – một con số khá “khủng khiếp” lúc bấy giờ, bầu Hiển phải cho nhân viên giỏi tìm việc mới, đồng thời chạy vạy khắp nơi để giải quyết. "Mỗi ngày, nhìn những chiếc tủ lạnh, tivi… rớt giá mà không biết phải làm gì trong khi trên đầu vẫn còn nợ thuế, thậm chí tôi còn ‘được’ lên trang nhất của một tờ báo với cái tít ‘chúa chổm’ rồi đấy”, Chủ tịch T&T từng kể lại trên truyền thông.

Công ty TNHH T&T (tiền thân của Tập đoàn T&T) thành lập năm 1993.

Công ty TNHH T&T (tiền thân của Tập đoàn T&T) thành lập năm 1993.

Tuy nhiên “trong cái khó ló cái khôn”, cũng nhờ giai đoạn khó khăn đó mà Bầu Hiển thay đổi tư duy kinh doanh. Ông nhận thấy nếu chỉ là thương mại thuần túy, làm đại lý cho nước ngoài thì rủi ro cao và sẽ mãi chỉ là người phân phối sản phẩm, gia công, không có gì là của riêng cũng như làm nên giá trị cho chính mình. Sau một thời gian nghiên cứu, ông nhận thấy xe máy là thị trường tiềm năng mà chưa có doanh nghiệp nào tham gia, đây cũng là phương tiện mà nhiều gia đình ở Việt Nam thời bấy giờ đang ao ước sở hữu. Vậy là ông quyết định hướng T&T sang lĩnh vực lắp ráp xe máy.

Năm 2000, nhà máy sản xuất động cơ xe máy T&T Hưng Yên ra đời với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD (300 tỷ đồng). Sau đó không lâu, những chiếc xe máy đầu tiên như Majesty, Mikado, Fanlim, Winner… ra mắt thị trường và giá rẻ bằng 1/2 sản phẩm ngoại lúc đó.

Sản phẩm ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới bình dân, tại các vùng quê. Năm 2001, sản lượng xe máy bán ra thị trường đạt 180.000 xe thì năm 2004 đã lên tới 350.000 xe. Không chỉ giới hạn ở thị trường trong nước, sản phẩm xe máy của T&T còn được thị trường các nước Châu Phi, Sri Lanka đón nhận. Ngoài ra T&T còn sản xuất phụ tùng thay thế với sản lượng 350.000 bộ/năm và 210.000 bộ động cơ.

Thành công với ngành công nghiệp xe máy nhưng bầu Hiển chỉ thực sự thành danh sau khi lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng. Năm 2005, T&T trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, một ngân hàng cỡ nhỏ ở vùng nông thôn Cần Thơ lúc bấy giờ. Nhận nhiệm vụ lập chiến lược quản trị và điều hành trên cương vị chủ tịch, Bầu Hiển đã chuyển đổi thành công mô hình hoạt động của Nhơn Ái sang Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). 5 năm sau, từ quy mô vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, hoạt động phạm vi hạn hẹp, ngân hàng đã đạt vốn điều lệ gần 5.000 tỷ đồng vào năm 2011, tổng tài sản từ 1.300 tỷ đồng lên hơn 70.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, doanh nhân Đỗ Quang Hiển còn không ngại thử thách bản thân khi quyết định sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank vào SHB năm 2012, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tự nguyện thực hiện sứ mệnh tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ. Với thương vụ này, quy mô tổng tài sản SHB tăng vọt, đạt gần 120.000 tỷ đồng, vốn điều lệ lên gần 9.000 tỷ đồng, trở thành một trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam. Điểm lợi thế nhất mà SHB nhận được sau vụ sáp nhập là mạng lưới chi nhánh, hệ thống khách hàng và nhân sự.

Tuy nhiên, việc sáp nhập Habubank cũng mang tới thử thách không nhỏ cho bầu Hiển. Đó là mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng ngay trong quý 3/2012. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%, chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu. Trong các “con nợ” mà Habubank mang về cho SHB, nan giải nhất chính là Thuỷ sản Bình An (Bianfishco). Từng là thương hiệu lớn về sản phẩm cá tra, cá basa gắn với tên tuổi nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền nhưng từ năm 2011, công ty gặp khó khăn về dòng tiền, không thanh toán tiền cá thu mua. Công ty còn nợ nhiều ngân hàng với số nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có Habubank.

Trước tình hình nguy khó của Bianfishco, Chủ tịch SHB quyết định đứng ra đàm phán với các chủ nợ là các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân. SHB cho Bianfishco vay tiền để trả nợ cho nông dân và tái cấu trúc để nhà máy có thể tiếp tục sản xuất. Sau 2 năm, Bình An đã ổn định sản xuất, trở lại xuất khẩu.

“Nhớ lại khoảng thời gian đó, thực sự tôi rất khổ. Có những chuyện tôi chưa kể với ai, như chuyện thường xuyên phải họp kéo dài rất căng thẳng. Có hôm đáp xuống sân bay lúc 3 giờ chiều là họp liên tục đến tận 1, 2 giờ sáng, đói quá anh em phải ra tận huyện để mua cái bánh mì ăn tạm. Cái bánh mì nhiều mỡ và bì ở Hà Nội bình thường tôi không bao giờ ăn, trông thấy mỡ là sợ nhưng vào trong đấy đói quá là ăn hết. Chuyện tái cấu trúc, nhà máy đang ‘be bét’ như thế mà để dựng lại thì chỉ có tôi vào trực tiếp làm được, vì trước đây tôi làm doanh nghiệp, làm sản xuất có kinh nghiệm rồi chứ cán bộ ngân hàng nói thật không ai làm được vì sản xuất khác hoàn toàn với ngân hàng”, Bầu Hiển kể về chuyện giải cứu Bianfishco với báo giới.

Thực tế, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã khiến SHB chững lại một thời gian. Kết quả kinh doanh của nhà băng này chỉ bắt đầu khởi sắc từ năm 2017 và bứt phá thực sự trong giai đoạn từ 2021 tới nay. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế ngân hàng đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 54% so với 2021. Năm 2023, SHB mang về gần 7.500 tỷ đồng lãi ròng. Tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 630.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 36.000 tỷ đồng, giữ vị trí thứ 4 trong năm ngân hàng TMCP tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất.

Sự nghiệp của Bầu Hiển tất nhiên không chỉ dừng lại ở Ngân hàng SHB. Cửa hàng kinh doanh điện tử, điện lạnh ngày nào đã trở thành tập đoàn đa ngành, tham gia vào các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, lĩnh vực mới đón đầu sự phát triển. Năm 2015, tòa nhà T&T Riverview được khởi công, đánh dấu công trình đầu tiên của thương hiệu bất động sản T&T Group. Sau đó, liên tiếp các dự án được triển khai như Khu đô thị T&T City Millennia ở Cần Giuộc, Long An; Khu đô thị T&T Tamda ở TP Vĩnh Long; Trung tâm thương mại Đắk Mil ở Đắk Nông; Khu dịch vụ du lịch Gio Hải ở Quảng Trị; Khu du lịch sinh thái Tân Dân ở Thanh Hoá...

Trong lĩnh vực công thương, T&T Group cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu tại Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu trong suốt 20 năm qua, với hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, dệt kim, sản xuất động cơ quạt, thiết bị điện. Năm 2019, T&T Group từng đưa thương hiệu Việt Nam vang danh trên thương trường quốc tế với hợp đồng thu mua điều thô lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới, lên tới 176.000 tấn.

Những năm gần đây, T&T Group thể hiện tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong năm 2020 - 2021, tập đoàn đã đưa vào vận hành và quản lý các dự án điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng thời hợp tác với những tập đoàn năng lượng lớn của thế giới đầu tư các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đăk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. Tập đoàn cũng đạt được thỏa thuận từ Standard Chartered cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh triển khai tại Việt Nam.

Năm 2022, T&T Group khởi công xây dựng Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng. Sau khi vận hành, dự án cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm và sẽ nộp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước mỗi năm.

Là doanh nhân nổi tiếng, ông Đỗ Quang Hiển hiếm khi xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn báo chí trực tiếp. Vì vậy ngoài sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng thể hiện bằng kết quả thực tế, không nhiều người hiểu rõ về tính cách, cuộc sống riêng tư của ông. Phó chủ tịch SHB Đỗ Quang Vinh - con trai của Bầu Hiển từng chia sẻ, cha anh là người mạnh mẽ và quyết đoán, đôi khi mọi người cũng khá sợ. Tuy nhiên trong gia đình, ông rất gần gũi, luôn chia sẻ với các con những câu chuyện từ cuộc sống đến công việc.

“Ông luôn nhắc nhở tôi rằng sống thì phải biết mình ở đâu, rằng luôn luôn phải để chân chạm đất. Vì với vị trí, môi trường hiện tại của tôi thì chắc chắn thường được nghe không ít lời có cánh dành cho mình. Với những lời khen như vậy thì chúng ta còn tỉnh táo để đứng vững hay không, đó là điều ông luôn nhắc nhở. Vì thế khi bước ra đời, tôi luôn tự nhủ rằng mình còn quá nhỏ bé, mình chưa thực hiện được điều gì to tát cả”, con trai Bầu Hiển chia sẻ với truyền thông.

Cuối tháng 4/2022, nhằm thực hiện quy định của luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, ông Đỗ Quang Hiển đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc T&T Group để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng SHB. Chủ tịch HĐQT T&T Group hiện là ông Nguyễn Tất Thắng, tổng giám đốc là ông Mai Xuân Sơn. Con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển - doanh nhân trẻ Đỗ Vinh Quang được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tập đoàn. Ông Đỗ Quang Hiển giữ chức danh Giám đốc Vận hành tại T&T Group.

Đọc tiếp