Toạ đàm về "Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh". Ảnh: MPI |
Toạ đàm "Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn FPT và VinaCapital tổ chức trưa 21/1 theo giờ địa phương tại Davos (Thuỵ Sĩ).
Sự kiện, diễn ra nhân Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Davos 55), đã thu hút sự tham gia của các tên tuổi lớn như Google, Schneider Electric, Hyundai Motor, Qualcomm, Visa, Ericsson..
Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước góp mặt như FPT, Viettel, Vietnam Airlines, VNPT, EVN, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, Sovico…
Trong phát biểu đề dẫn của mình, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ, các cấp chính quyền Việt Nam đã thay đổi tư duy, từ quản lý sang kiến tạo, từ kiểm soát quy trình sang quan tâm kết quả. Việt Nam phấn đấu trong thời gian tới đạt mức tăng trưởng 2 con số, trong đó khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, nhất là các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, bán dẫn, dữ liệu lớn…
Điều này càng có cơ sở hơn khi doanh thu từ lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đạt 2 tỷ USD/năm và Việt Nam hiện có khoảng một triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, như Viettel, VNPT, FPT...
"Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác để cùng Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên thông minh," Chủ tịch FPT nói.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện các tập đoàn lớn như Google, Schneider Electric, A.P. Moller Capital cho rằng, Việt Nam có vị trí quan trọng, nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN và thế giới. Các tập đoàn đã lựa chọn Việt Nam bởi nhận thấy cơ hội lớn, không chỉ trong phát triển khoa học công nghệ, mà cả trong phát triển hạ tầng, logistics, y tế…
Thời gian tới, các tập đoàn này mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng cứng và mềm, có chính sách ưu đãi nhất là thuế, phí, đất đai, cũng như quy định về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài mở hơn,... tạo điều kiện để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: MPI |
Đáp từ ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Bộ trưởng dẫn chứng về thủ tục đầu tư các ngành công nghệ cao tại khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đăng ký là thực hiện được ngay thay vì phải mất 2-3 năm chờ đợi phê duyệt đầu tư, thẩm định các thủ tục đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy như trước đây. Tất cả đã có sẵn tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Về trung tâm tài chính quốc tế, Bộ trưởng cho biết Quốc hội đã duyệt chủ trương và hiện đang xây dựng hai trung tâm tại TP HCM và Đà Nẵng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang rất cần sự tham gia đóng góp về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài, Bộ trưởng nói.
"Chúng tôi sẽ cung cấp điều các bạn cần, chứ không phải điều Việt Nam có," ông Dũng nói và khẳng định Việt Nam mong muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng cạnh tranh hơn với các nước, nhằm phục vụ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại tọa đàm với chủ đề: "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh". Ảnh: MPI |
Thay mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tọa đàm, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ cao - một trong những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Theo Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên, trong kỷ nguyên mới, Chính phủ Việt Nam hướng đến một mô hình phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; nhờ đó vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", "đuổi kịp, tiến cùng" với các nước phát triển.
Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ cao thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.