Chia sẻ tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, với mục tiêu nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối tiêu thụ sản phẩm, những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi và quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản thực phẩm hỗ trợ tốt nhất cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Rõ hơn về những kết quả đạt được, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và một mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... Một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu như công ty Đại Thành, công ty TNHH Thực phẩm sạch Ba Vì, hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, hợp tác xã Hữu cơ Đồng Phú huyện Chương Mỹ; đặc biệt là các trang trại, gia trại hoa cây cảnh, nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR…
Theo bà Hằng, nhìn chung các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn thành phố quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp điều kiện hiện nay của thành phố, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương nói riêng và thành phố nói chung.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN. |
Cùng với việc phát triển mô hình sản xuất, thời gian qua, Hà Nội cũng đã triển khai các nhiệm vụ liên quan đến các sản phẩm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan tới công tác quản lý chất lượng, sản xuất chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản.
Cụ thể, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng hệ thống online truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP Hà Nội.
Hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm thủy sản. Hệ thống đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng xây dựng phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Đến nay, đã có 6.236 lượt kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với 5.596 bài kiểm tra đạt yêu cầu.
Duy trì Hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Xây dựng Chuyên trang thông tin điện tử về sản phẩm nông nghiệp của thành phố trên Cổng thông tin giao tiếp điện tử của ngành NN&PTNT Hà Nội, hỗ trợ đưa các sản phảm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Đánh giá chung về việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, việc đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử giúp nông dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng ở nhiều khu vực, giảm sự phụ thuộc vào các chợ truyền thống.
Việc ứng dụng tự động hóa và công nghệ số trong chế biến nông lâm thủy sản giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí lao động và đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường...
Tuy nhiên, bà Hằng cũng nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến... chưa nhiều do sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán.
Nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư khi tham gia vào công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp từ cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu tư hạn chế, chính sách của Trung ương và thành phố chưa đủ mạnh và đồng bộ, mới chỉ đáp ứng ở một số công đoạn trong chuỗi với quy mô nhỏ nên hoạt động đầu tư chưa được tập trung, nguồn vốn đầu tư còn ít, các mô hình sản xuất hiệu quả thiếu nguồn kinh phí để nhân rộng.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn như đẩy mạnh hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đua hộ sản xuất nông nghiệp các sản phẩm chủ lực, OCOP của thành phố lên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển các kênh tương tác trực tuyến với người dân về thực hiện thủ tục hành chính, kết nối thông tin về các quy định, chính sách pháp luật, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn...